Vì sao biến thể mới của Omicron dễ lây lan?

THẾ TUẤN 20/08/2023 07:41

Ngày 17/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức nâng mức độ cảnh báo biến thể mới EG.5 của Omicron từ “đang theo dõi” thành “đáng quan tâm”. Hiện hơn 17,4% ca bệnh Covid-19 ghi nhận là do biến thể phụ này; tăng từ 7,6% so với một tháng trước đó.

Hiệu thuốc quảng cáo bán vaccine Covid-19 ở New York (Mỹ) khi biến thể EG.5 đang lây lan. Ảnh: REUTERS.

EG.5 liên tục biến đổi

Đây là biến thể phụ của Omicron, xuất hiện vào cuối năm 2021. EG.5 lây lan nhanh ở Mỹ và đã trở thành chủng phổ biến nhất tại đây - theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tuy rằng chưa có bằng chứng cho thấy nó khiến người bệnh trầm trọng hơn.

Ngày 17/8, Bộ Y tế Palestine cho biết khoảng 50 - 100 trường hợp mắc Covid-19 do nhiễm biến thể phụ EG.5 của Omicron đã được báo cáo ở Bờ Tây và Dải Gaza. Giám đốc bộ phận chăm sóc sức khỏe ban đầu của Bộ Y tế Palestine, ông Kamal al-Shakhra, cho biết biến thể mới này lây lan nhanh chóng đúng dịp hè, thời điểm mọi người có nhiều hoạt động nghỉ dưỡng. Ông Osama al-Najjar, người đứng đầu cơ quan hỗ trợ y tế và ngân hàng máu Palestine cho biết, Bộ Y tế nước này đang khẩn trương thực hiện theo khuyến cáo WHO về sự lây lan toàn cầu của biến thể EG.5 với mức độ cảnh báo “đáng quan tâm”.

WHO cho biết biến thể EG.5 (còn gọi Eris) đã được ghi nhận tại 51 quốc gia, trong đó có: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...

Cho tới nay EG.5 liên tục phát triển, biến đổi hình dạng và trở nên khác biệt, tiến hóa sau biến chủng XBB.1.9.2. Trong báo cáo mới nhất, WHO cho biết EG.5 đang phát triển thêm phiên bản mới là EG.5.1. Bà Meera Chand - Phó Giám đốc Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), cho biết EG.5.1 là biến chủng mới, hiện đang được giới y học quan sát thông qua các phương pháp kiểm soát Covid-19.

Trong khi đó, Andrew Pekosz - giáo sư vi sinh học phân tử và miễn dịch học tại Đại học Johns Hopkins (Bantimore, Mỹ) cho biết, dựa trên những bằng chứng hiện có thì chưa có dấu hiệu cho thấy EG.5 gây triệu chứng nặng, rủi ro cao hơn các phiên bản khác của Omicron. Tuy nhiên, một số thử nghiệm cho thấy EG.5 trốn tránh miễn dịch “giỏi hơn” các biến chủng đang lưu hành. Kể từ tháng 6, giới chức y tế Mỹ và các nhà sản xuất thuốc bắt đầu xin cấp phép vaccine Covid-19 thế hệ tiếp theo, nhắm vào các biến chủng phụ của Omicron, trong đó có cả EG.5.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời tiến sĩ Thomas Russo - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Đại học Buffalo, Mỹ) cho biết, vì là phiên bản phụ của Omicron, EG.5 mang đầy đủ đặc điểm của biến chủng này, với các biểu hiện điển hình gồm: Sốt, ho liên tục, thay đổi vị giác hoặc khứu giác, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng. Người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh nền thì nguy cơ bị ảnh hưởng cao hơn. Còn theo giáo sư Christina Pagel (Đại học London, Anh), EG.5 có thể sẽ khiến gia tăng các ca nhiễm mới và tất cả vấn đề liên quan, dẫn tới nhiều ca nhập viện hơn.

Khả năng lây lan "đáng quan ngại"

Nguyên nhân EG.5 đang lây lan nhanh được cho là bắt đầu từ việc người dân gia tăng hoạt động đi lại và tương tác xã hội trong dịp nghỉ hè. Mặt khác, do nắng nóng gay gắt, người dân có xu hướng ở trong không gian có điều hòa không khí với điều kiện thông gió kém. Điều này tăng khả năng đẩy nhanh tốc độ lây lan của virus. Khi các trường học mở cửa trở lại, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Vậy đột biến nào khiến biến thể EG.5 trở nên dễ lây lan hơn? Các nhà khoa học tại CDC (Mỹ) cho biết, so với phiên bản gốc XBB.1.9.2, dòng phụ EG có thêm đột biến gene virus ở vị trí 465. Đột biến này đã từng xuất hiện trong các biến thể Covid-19 khác trước đây, tuy nhiên, vẫn chưa rõ virus đã tiến hóa thế nào để trở nên nguy hiểm.

Đột biến 465 hiện diện trong khoảng 35% mẫu giải trình tự gene Covid-19 trên toàn thế giới. Điều này chứng tỏ rằng đột biến này đang có lợi thế tiến hóa hơn so với các phiên bản trước đó. Giáo sư David Ho - chuyên khoa Vi sinh học và miễn dịch học (Đại học Columbia, Mỹ) cho rằng cả hai biến thể EG.5 và EG.5.1 có khả năng chống lại các kháng thể trung hòa trong huyết thanh của người nhiễm Covid-19.

Tuy chưa ở mức cảnh báo y học khẩn cấp, nhưng khả năng lây lan nhanh của EG.5 là rất đáng quan ngại. CDC (Mỹ) khuyến cáo nếu ở trong nhà thì cần mở cửa sổ, đảm bảo nhà cửa thông thoáng, lưu thông không khí tốt. Nếu ra đường, nhất là tham gia các hoạt động cộng đồng thì nên đeo khẩu trang “cho dù điều đó không ai muốn”. Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng thì cần sớm đến các cơ sở y tế để tham vấn bác sĩ và có thể tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường.

“Sự xuất hiện và lây lan rất nhanh của biến thể EG.5 khiến chúng ta buộc phải nhớ lại đại dịch Covid-19 đã lấy đi mạng sống khoảng 6,9 triệu người trên toàn thế giới trong tổng số 20 triệu người chết hoặc là trực tiếp do virus corona, hoặc là do hoạt động y tế bị xáo trộn, hoặc là do thay đổi trong cách nghiên cứu tìm kiếm phương pháp chữa trị” - bà Samira Asma, phụ trách dữ liệu và phân tích tại WHO nói và cho rằng tuổi thọ tiềm tàng của nhân loại đã bị mất gần 337 triệu năm trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao biến thể mới của Omicron dễ lây lan?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO