Kinh tế

Vì sao đấu thầu vàng bị phớt lờ?

T.Hằng 04/05/2024 18:14

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải 3 lần ra thông báo huỷ đấu thầu vàng miếng do số lượng doanh nghiệp tham gia đấu thầu quá ít ỏi. Lý do nào khiến vàng của NHNN muốn đem ra đấu thầu lại bị doanh nghiệp chê?

anhbaitren.jpg
Giá vàng vẫn tiếp tục tăng nóng. Ảnh: Quang Vinh.

4 lần gọi, 3 lần hủy

Khi giá vàng liên tiếp tăng nóng vượt 80 triệu đồng/ lượng, vượt 82 triệu đồng/ lượng và đạt ngưỡng 85 triệu đồng/ lượng, giá vàng trong nước cũng cao hơn giá vàng thế giới đến 15 triệu đồng/ lượng, NHNN đã chọn giải pháp tổ chức đấu thầu vàng nhằm đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông, góp phần bình ổn lại cung cầu, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá mua và giá bán.

Với mục tiêu bình ổn thị trường, hạ nhiệt giá vàng, NHNN đã lên kế hoạch tổ chức nhiều phiên đấu thầu nhằm đưa một lượng vàng lớn ra thị trường. Song dường như các nỗ lực đấu thầu vàng của cơ quan điều hành tiền tệ đang bị doanh nghiệp (DN) “cô lập”.

Bắt đầu từ ngày 22/4 đến ngày 3/5 NHNN chỉ mới đấu thầu vàng thành công được một lần, song cũng chỉ có 2 DN tham gia với kết quả, số lượng vàng bán ra là 3.400 lượng tương đương 20% lượng vàng chào thầu, 13.400 lượng vàng (tương đương 80% ) bị ế.

Nên nhớ là, hiện đang có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và DN kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN, trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Vậy tại sao 4 lần gọi đấu thầu vàng, chỉ có rất ít DN tham gia? Việc huỷ đấu thầu vàng liên tiếp cho thấy DN không mặn mà với đấu thầu vàng.

Cập nhật dữ liệu đến 11h30 ngày 3/5 Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá mua bán vàng miếng lên 83,5 - 85,8 triệu đồng. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay.

Cùng thời điểm, tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI yết giá vàng miếng tại 82,8 - 85 triệu đồng. Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), mỗi lượng vàng được công bố 82,9 - 85,2 triệu đồng. Các phiên đấu thầu vàng liên tiếp bị huỷ, trong khi giá vàng trong nước theo đà tăng của giá vàng thế giới nóng lên từng giờ.

Một câu hỏi được đặt ra: “Bàn tay” nào đang chi phối giá vàng trong nước? Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, DN đã kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Và càng kinh doanh mặt hàng nào khan hiếm, nguồn cung hạn hẹp thì lợi nhuận càng cao. Không phải ai cũng đủ điều kiện về tài chính để mở cửa hàng, công ty kinh doanh vàng vậy thì khi cơ quan quản lý muốn tăng cung để hỗ trợ bình ổn giá trong nước, giúp giá trong nước liên thông với giá vàng thế giới thì chẳng DN nào muốn. Chưa kể mức giá tham chiếu để tính giá đặt cọc được NHNN đưa ra trong mỗi lần mời gọi thầu đều trên 80 triệu đồng/ lượng – được đánh giá là mức giá không hề “dễ thở” khiến DN có thêm cớ để phớt lờ với đấu thầu vàng.

Hạ giá khởi điểm, hạ lô mời thầu?

Ông Nguyễn Ngọc Trọng - Giám đốc Công ty vàng Đối tác Mới (NPJ) - người từng đại diện một DN vàng lớn tham gia nhiều phiên đấu thầu vàng 11 năm trước chia sẻ rằng, DN chỉ tham gia đấu thầu khi thấy có lợi nhuận chứ khó đòi hỏi DN có trách nhiệm tham gia để tăng cung hay kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra nguyên nhân khiến vàng đấu thầu không hấp dẫn DN, là do điều kiện tham gia đấu thầu không phù hợp với DN, tổ chức tín dụng. Cụ thể, theo quy định của NHNN, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao. Chưa kể, sau khi trúng thầu, lượng vàng phải sau 2 ngày mới được giao trong khi giá vàng biến động rất mạnh. Về nguyên tắc kinh doanh, DN kinh doanh vàng không đầu cơ mà mua được bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để đảm bảo an toàn vốn.

Bởi vậy, ông Long cho rằng, NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 500 lượng vàng, sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc mà NHNN đưa ra cũng chưa hấp dẫn, không đúng mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng việc đấu thầu vàng như thông báo của NHNN không hấp dẫn các DN kinh doanh vàng vào thời điểm này. Nếu muốn thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, giá vàng đấu thầu phải thấp hơn nữa, khi đó DN mới có dư địa để điều chỉnh giá.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu ý kiến, NHNN nên xem lại mức giá tham chiếu. Việc đặt cọc 10% khi đấu thầu trong khi giá tham chiếu để đặt cọc cao cũng là vấn đề khiến các DN, ngân hàng cân nhắc, tính toán trước khi tham gia đấu thầu.

Bỏ ra một số tiền lớn tham gia đấu thầu thì DN phải tính đến chuyện làm sao để kinh doanh có lãi. Do đó, muốn những phiên đấu thầu vàng tiếp theo hiệu quả hơn, NHNN cần xác định mức giá đấu thầu hợp lý, phù hợp với nhu cầu của DN, mới dễ dàng thu hút DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao đấu thầu vàng bị phớt lờ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO