Theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tăng tổng mức đầu gần 2.900 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.
"Đội vốn" gần 2.900 tỷ đồng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Một trong những nội dung đáng chú ý theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế, ước tính tổng mức đầu tư của Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư ban đầu.
Theo các kết quả phê duyệt dự án đầu tư của các dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 84.320 tỷ đồng (thấp hơn sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội).
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế, ước tính tổng mức đầu tư của dự án sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội.
Trong đó, Dự án thành phần 1.2 dự kiến tăng khoảng 1.500 tỷ đồng; Dự án thành phần 1.3 dự kiến tăng khoảng 2.874 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.
Riêng dự án thành phần 3 dự kiến giảm tổng mức đầu tư còn khoảng 1.484 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư.
Thông tin thêm về tình hình giải phóng mặt bằng dự án, báo cáo của Chính phủ cho biết, theo Nghị quyết số 56/2022 của Quốc hội, tổng diện tích thu hồi đấy khoảng hơn 1.341ha. Trong đó, đất nông nghiệp khoảng hơn 1.000ha, đất ở khoảng 58ha và đất khác khoảng 209ha.
Thực tế triển khai, tổng diện tích thu hồi đất khoảng 1.397ha (tăng 56ha). Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 1.054ha (giảm 20ha), đất ở khoảng 42ha (giảm 16ha), đất khác khoảng 301ha (tăng 92ha).
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng diện tích đất thu hồi khoảng hơn 1.200ha, đạt gần 87%. Trong đó, Hà Nội đã thu hồi hơn 706ha (đạt hơn 88%), Hưng Yên đã thu hồi gần 193ha (đạt gần 84%), Bắc Ninh đã thu hồi hơn 308ha (đạt xấp xỉ 84%).
Có một dự án thành phần mới chọn xong nhà thầu
Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội, trong tổng số 4 dự án thành phần có cấu phần xây dựng, đến nay mới chỉ có dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành trên địa bàn TP Hà Nội) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu.
Sau 3 tháng khởi công đối với dự án thành phần 2.1, hiện các nhà thầu thi công đã hoàn thiện các thủ tục xây dựng, trong đó đã xây dựng lán trại, huy động máy móc, thiết bị, trình nguồn vật liệu đầu vào,... phục vụ thi công công trình. Trong đó, các nhà thầu đã huy động hơn 200 kỹ sư, công nhân kỹ thuật; 35 máy đào; 25 lu rung; 20 máy ủi; 3 dây chuyền khoan cọc nhồi; 1 dây chuyền thi công cọc xi măng đất để tổ chức thi công.
Trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu. Đã thi công bóc đất hữu cơ lên khuôn đường khoảng 15km, đắp nền K95 khoảng 2,5km, đang triển khai thi công rải vải địa kỹ thuật, cắm bấc thấm xử lý nền đất yếu; thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu: Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch; đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 14 cầu vượt sông, kênh mương như: sông Cà Lồ, ngòi Phù Trì, kênh Khê Tang, cầu vượt đường sắt Hà Nội - Lào Cai...
Còn đối với dự án thành phần 2.2 (xây dựng đường song hành trên địa phận Hưng Yên) hiện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 10/2023.
Dự án thành phần 2.3 xây dựng đường song hành trên địa phận tỉnh Bắc Ninh được chia thành 3 gói thầu, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt thiết kế, dự toán 1 gói thầu, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để khởi công ngày 10/10/2023; 1 gói thầu dự kiến phê duyệt thiết kế dự toán trong tháng 10/2023. Với 1 gói thầu còn lại đang trình Bộ Xây dựng thẩm định.
Đánh giá tỷ lệ giải ngân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, các dự án thành phần có cấu phần xây dựng còn chậm, ngoài Dự án thành phần 2.1 (Hà Nội) đã giải ngân đạt 80,45% nguồn vốn đã bố trí năm 2023; Dự án thành phần 2.2 (Hưng Yên) mới chỉ giải ngân được 4,76% vốn đã bố trí năm 2023 và Dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh) chưa giải ngân.
Theo báo cáo, hiện tại, diện tích giải phóng mặt bằng tại các địa phương đã thực hiện khoảng 86,5%, song, chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp.
Hiện tại, phạm vi đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng chủ yếu thuộc khu vực đất ở của các hộ gia đình, đất liên quan đến tín ngưỡng, đất liên quan đến các cơ quan, tổ chức... là các khu vực rất khó khăn do ảnh hưởng đến sinh kế người dân, doanh nghiệp, phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục để thực hiện thu hồi, khó khăn trong công tác vận động người dân bàn giao đất.
Bên cạnh đó, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu tái định cư triển khai còn chậm, chưa hoàn thành nên rất khó khăn trong việc di dời người dân đến nơi ở mới đề thực hiện giải phóng mặt bằng.
Chính vì vậy, mặc dù tỷ lệ mặt bằng đã bàn giao khá lớn, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thừa nhận còn có hiện tượng “xôi đỗ”, khó khăn trong việc triển khai thi công đồng loạt.