Vì sao, dù phản ứng mạnh nhưng NATO không áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine?

Hà Anh (theo CNN) 05/03/2022 11:35

Dù NATO vẫn ủng hộ Ukraine, nhưng liên minh này không muốn làm bất cứ điều gì có thể được coi là một hành động chiến tranh trực tiếp với Nga.

Ảnh minh họa: AFP.

30 nước thành viên của NATO đã nhóm họp tại Brussels hôm 4/3 để thảo luận về các bước tiếp theo của liên minh quân sự này tại Ukraine. Các nỗ lực ngoại giao đã thất bại trong việc chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở nước này, 8 ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Tình hình bên trong Ukraine dường như sẽ không sớm được cải thiện. Một đoàn xe dài 40 dặm của Nga hướng đến thủ đô Kyiv. Trong khi đó quân đội Nga cũng chiếm giữ các khu vực chiến lược quan trọng khác và tính đến ngày 4/3, đang chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Bất chấp tình hình ảm đạm trên thực tế, NATO không sẵn sàng tham gia trực tiếp vào xung đột, bao gồm cả việc thiết lập vùng cấm bay. Liên minh quân sự này chỉ hỗ trợ Ukraine.

Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết, khu vực cấm bay trên lãnh thổ Ukraine không phải là một lựa chọn đang được liên minh xem xét.

Ông nói: “Chúng tôi đã thống nhất rằng, không nên để máy bay NATO hoạt động trên không phận Ukraine hoặc để quân đội NATO đặt chân lên lãnh thổ Ukraine".

Bản đồ các nước thành viên NATO. (Màu vàng nhạt: những nước gia nhập NATO trước năm 1991, màu vàng đậm: những nước ra nhập NATO sau năm 1991).

NATO là gì?

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là một nhóm gồm 30 quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu. Theo chính NATO, mục đích của liên minh là đảm bảo tự do và an ninh của các thành viên thông qua các phương tiện chính trị và quân sự.

Liên minh được thành lập vào năm 1949 để đối phó với sự bắt đầu của Chiến tranh Lạnh. Mục đích ban đầu của nó là bảo vệ phương Tây khỏi mối đe dọa do Liên Xô gây ra. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã gia nhập NATO, điều khiến ông Putin rất khó chịu.

Là một viên của NATO có nghĩa là đóng vai trò tích cực trong các cuộc thảo luận hàng ngày về các vấn đề an ninh và quốc phòng ảnh hưởng đến liên minh.

Điều này có thể bao gồm từ các biện pháp chiến lược chống chiến tranh mạng hay chuyển quân đến các nước thành viên.

Theo Hiệp ước, các thành viên phải chi 2% GDP quốc gia cho quốc phòng mỗi năm, mặc dù rất ít thành viên đã làm như vậy trong những năm gần đây.

Điểm nổi bật nhất về NATO là Điều 5 của Hiệp ước, có nghĩa là "một cuộc tấn công chống lại một Đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên”. Điều 5 chỉ từng được viện dẫn một lần, để đáp lại vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ.

Tuy nhiên, liên minh có thể thực hiện các biện pháp phòng vệ tập thể mà không cần viện dẫn Điều 5, ví dụ mới nhất là những động thái sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Máy bay F-15E Strike Eagles tại căn cứ không quân ở Ba Lan ngày 28/2/2022. Ảnh: Không quân Mỹ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu NATO áp đặt vùng cấm bay?

Khu vực cấm bay là khu vực mà một số máy bay không thể bay vì một số lý do. Trong bối cảnh xung đột như ở Ukraine, nó có thể có nghĩa là một khu vực mà máy bay Nga không được phép bay, để ngăn chúng thực hiện các cuộc không kích nhằm vào Ukraine.

NATO đã từng áp đặt vùng cấm bay ở các nước không phải là thành viên trước đây, bao gồm Bosnia và Libya. Tuy nhiên, nó luôn là một động thái gây tranh cãi vì nó có nghĩa là NATO đã "bán tham gia" vào một cuộc xung đột mà không có đầy đủ lực lượng trên bộ.

Vấn đề với các khu vực cấm bay quân sự là chúng phải được bảo đảm bằng sức mạnh quân sự. Nếu một máy bay Nga bay vào vùng cấm bay của NATO, thì lực lượng NATO sẽ phải có biện pháp xử lý máy bay đó. Hành động trong trường hợp này có thể bao gồm bắn máy bay từ trên trời.

Nhưng như vậy, sẽ là một hành động gây chiến của NATO với Nga và nó có khả năng làm leo thang xung đột.

Ảnh minh họa: Getty.

Tại sao NATO không áp đặt vùng cấm bay?

Cả Ukraine và Nga đều không phải là thành viên của NATO. Tổng thống Putin rõ ràng coi NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với đất nước Nga và gần đây đã chỉ trích sự bành trướng của khối này với mục tiêu bao vây Nga, lấy đó làm lý do cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Do đó, NATO cực kỳ miễn cưỡng tham gia trực tiếp vào căng thẳng giữa Ukraine với một cường quốc hạt nhân đối thủ. Mặc dù liên minh này vẫn ủng hộ sự Ukraine, nhưng đơn giản là không làm bất cứ điều gì có thể được coi là một hành động chiến tranh trực tiếp với Nga và đẩy nguy cơ leo thang dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Putin từ lâu đã cho rằng, theo thời gian, NATO đã mở rộng biên giới của mình bằng cách kết nạp các nước Đông Âu từng là một phần của Liên Xô - có nghĩa là Nga hiện có chung đường biên giới trên bộ với liên minh quân sự lớn nhất thế giới, do đó làm giảm sức mạnh địa chính trị của Nga.

Gần đây nhất là vào tháng 2, Tổng thống Putin đã yêu cầu NATO thu hẹp biên giới của tổ chức này về như năm 1997 - trước khi các quốc gia Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia, hai quốc gia có biên giới với Nga, sau này gia nhập liên minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao, dù phản ứng mạnh nhưng NATO không áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine?