Thực tế cho thấy, cho tới nay việc nỗ lực kéo giảm giá thịt lợn không được như mong muốn khi mà giá thịt lợn vẫn “cố thủ” ở mức cao. Vậy, phải chăng những nỗ lực kìm hãm đã thất bại?
Thịt lợn nhiều nhưng giá vẫn cao.
Ngày 11/5, giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng, ở miền Bắc mức giá khá cao dao động từ 90.000 - 95.000 đồng/kg, tùy loại hàng. Cụ thể, giá lợn hơi ở Tuyên Quang, Hà Nội đạt 90.000 - 91.000 đồng/kg; tại Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ đạt 92.000 đồng/kg, tăng đáng kể so với vài ngày trước. Tại Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, giá lợn hơi đạt 93.000 đồng/kg. Trong khi tại chợ đầu mối gia súc gia cầm tỉnh Hà Nam, lợn đẹp có thể được thương lái săn lùng với giá 95.000 đồng/kg. Ở khu vực phía Nam, giá lợn hơi cũng có dấu hiệu tăng giá phi mã khi vọt lên mức 93.000 -94.000 đồng/kg.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã chủ trì cuộc họp với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn. Sau cuộc họp, 15 doanh nghiệp đã cam kết bằng văn bản và đồng loạt thực hiện bán lợn thịt tại nơi xuất chuồng với giá 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2020.
Ngày 18/3, Bộ NNPTNT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo về việc công bố hết dịch, tổ chức tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học; công văn gửi các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn để chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ tăng đàn và thực hiện cam kết với Chính phủ về giá bán lợn thịt. Đặc biệt, Bộ NNPTNT chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành hồ sơ giải ngân kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cho người chăn nuôi và có chính sách về tín dụng, ưu đãi về lãi suất, chính sách đất đai để phát triển chăn nuôi trang trại. Chỉ đạo các doanh nghiệp và các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đồng loạt giảm giá bán lợn thịt ở mức 70.000 đ/kg cùng với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn. Cùng với đó tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn như thịt gia súc khác, thịt và trứng gia cầm, thủy sản với nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý.
Đáng chú ý, Bộ NNPTNT cũng chú trọng việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung. Được biết, việc nhập khẩu thịt lợn đến hết tháng 4, số lượng mới chỉ đạt 45.000 tấn, so với yêu cầu 100.000 tấn.
Trước tình hình giá thịt lợn cố thủ ở mức cao hiện nay, để bù đắp lượng thiếu hụt thịt lợn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì việc tái đàn lợn nhanh, đảm bảo an toàn là biện pháp hiệu quả để hạ mức chênh quá cao của cán cân cung - cầu thịt lợn. Vì vậy, tái đàn, tăng số lượng đàn nhanh chóng được xem là giải pháp cấp thiết nhất trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, nêu rào cản trong việc tái đàn hiện nay, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - giá lợn giống quá cao đang cản bước nhiều nông hộ tái đàn, chính vì vậy trong ngắn hạn, giá lợn hơi chưa thể giảm ngay được, nhưng sẽ không vượt quá mốc 100.000 đồng/kg. Ông Công cho rằng, khâu yếu nhất của chăn nuôi nội địa vẫn là ở sản xuất con giống. Hiện một con nái nội địa sản xuất ra heo con giống thấp hơn nhiều mức trung bình của các nước trên thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá con giống tăng quá cao như hiện nay. Hiện người chăn nuôi muốn tái đàn gặp rất nhiều khó khăn vì phải tự xoay xở, hầu như không tiếp cận được nguồn vốn vay vì đầu tư nhiều rủi ro do khả năng dịch tái phát vẫn cao.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, một nguyên nhân khác khiến thịt lợn khó giảm giá là lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2 - 5 khâu trung gian, làm giá tăng gần 43%...