Quốc tế

Vì sao Năm mới bắt đầu vào ngày 1/1?

Theo Báo Tin tức / Hindu Times 01/01/2024 10:08

Khi đồng hồ điểm nửa đêm và pháo hoa thắp sáng bầu trời, mọi người trên khắp thế giới cùng nhau bước sang Năm mới vào ngày 1/1. Đây là ngày chúng ta tiễn biệt năm 2023 và chào đón năm mới 2024.

Chú thích ảnh
Trình diễn pháo hoa đón Năm mới tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN.

Sự khởi đầu của một năm mới tượng trưng cho niềm vui, sức mạnh và sự lạc quan, với lời hứa hẹn về một tương lai thịnh vượng, tươi sáng hơn. Hãy cùng khám phá lý do ngày 1/1 được chọn là ngày đầu tiên của Năm mới.

Vì sao ngày 1/1 được coi là Năm mới?

Lần đầu tiên ngày 1/1 được coi là ngày bắt đầu Năm mới là vào năm 45 trước Công nguyên. Trước đó, lịch La Mã bắt đầu vào tháng 3 và kéo dài 355 ngày. Sau khi lên nắm quyền, Hoàng đế La Mã Julius Caesar đã ban quyết định thay đổi cách tích lịch. Hoàng đế muốn tôn vinh thánh Janus của tháng 1 - vị thần đại diện cho sự khởi đầu của người La Mã, có hai khuôn mặt, cho phép ông nhìn về tương lai cũng như quá khứ - nên đã chọn ngày 1/1 làm ngày đầu tiên của năm.

Tuy nhiên, ngày này không được hưởng ứng rộng rãi ở châu Âu cho đến tận giữa thế kỷ 16. Sau khi Kitô giáo du nhập, ngày 25/12 - ngày sinh của Chúa Giêsu - được đón nhận và ngày 1/1 - ngày bắt đầu năm mới - bị coi là ngoại đạo. Mãi cho đến khi Giáo hoàng Gregory thay đổi lịch Julian để biến ngày 1/1 thành ngày chính thức bắt đầu một năm thì nó mới được chấp nhận.

Chú thích ảnh
Cây cầu đi bộ Atal bắc qua sông Sabarmati ở Ahmedabad, Ấn Độ, được thắp sáng rực rỡ chờ đón Năm mới, ngày 31/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN.

Ngoài ra, người ta cho rằng con người đã bắt đầu tổ chức đón Năm mới từ khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, hay hơn 4.000 năm trước ở Babylon cổ đại. Vào ngày trăng non đầu tiên sau ngày xuân phân, thường là vào cuối tháng 3, người Babylon ăn mừng Năm mới bằng lễ kỷ niệm kéo dài 11 ngày gọi là Akitu, với mỗi ngày một buổi lễ riêng biệt.

Năm mới 2024: Ý nghĩa và phong tục

Sự khởi đầu của một năm mới đong đầy nhiều ý nghĩa, chứ không chỉ là lật sang một trang sách mới. Đây là lúc để mọi người nhìn nhận lại cuộc sống của mình trong năm đã qua và sẵn sàng cho những khởi đầu mới. Trên khắp thế giới, sự khởi đầu của một năm mới khuyến khích mọi người đặt ra mục tiêu và nắm bắt những cơ hội mới.

Chú thích ảnh
Trình diễn pháo hoa đón Năm mới tại Cầu cảng Sydney, Australia, ngày 1/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN.

Ở nhiều quốc gia, đêm giao thừa rơi vào ngày 31/12 và lễ kỷ niệm tiếp tục kéo dài đến rạng sáng ngày 1/1. Trên khắp thế giới, mọi người ăn mừng bằng những phong tục như hát múa và xem bắn pháo hoa.

Tại Anh, vào đêm cuối cùng của năm cũ, người ta tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus hay quanh những nơi có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben ở thủ đô London báo hiệu năm mới đã đến.

Tại vùng Scotland, truyền thống xông nhà ở Scotland quy định rằng vị khách đầu tiên đến nhà bạn sau nửa đêm phải mang theo một món quà là than hoặc bánh mì để mang lại may mắn cho cả năm.

Chú thích ảnh
Các vũ công biểu diễn trong lễ diễu hành chờ đón Năm mới tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 31/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN.

Người dân Pháp nổi tiếng là lịch sự, sang trọng sẽ dùng rượu đón năm mới, từ đêm giao thừa mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống đến 3/1 mới kết thúc.

Đêm giao thừa ở Bỉ, người ta cũng tổ chức tiệc ăn mừng và khi giao thừa, họ ôm hôn nhau và gửi đến nhau những lời chúc may mắn.

Ngày 1/1 hàng năm là một ngày rất quan trọng đối với người dân Hy Lạp. Đây là ngày Thánh Basil và cũng là ngày đầu năm mới. Thánh Basil là một vị thánh rất tốt với trẻ em. Người thường xuất hiện vào ban đêm và để lại quà tặng cho trẻ em trong những đôi giày của chúng. Vào ngày Thánh Basil, mọi người quây quần bên nhau, dùng bữa và trao cho nhau những món quà yêu thương.

Chú thích ảnh
Biểu diễn nghệ thuật đón Năm mới tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 31/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Năm mới bắt đầu vào ngày 1/1?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO