Hay tin núi Ngọc được quy hoạch làm mỏ đất, chuẩn bị đưa vào đấu giá, người dân xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) bức xúc, liên tục gửi đơn phản đối.
Ngọn núi của lịch sử
Từ cuối năm 2023 đến nay, khi hay tin núi Ngọc bị quy hoạch làm mỏ đất, sẽ “biến mất” trong tương lai, nhiều người dân, nguyên cán bộ lãnh đạo xã Thọ Cường đã liên tục gửi đơn thư cầu cứu tới các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh Thanh Hóa và Trung ương. Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ quyết định 4031 ngày 31/10/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác mỏ đất diện tích 5,8ha tại xã Thọ Cường để làm vật liệu san lấp. Theo quyết định trên, giá khởi điểm của mỏ đất này là hơn 1 tỷ đồng.
Đến ngày 20/2/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định 2174, thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về việc đấu giá mỏ đất trên. UBND tỉnh yêu cầu, Sở TNMT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan liên quan về tính chính xác của nội dung đã đề xuất, tham mưu và kết quả thực hiện đấu giá.
Ông Phạm Khắc Độ (82 tuổi, trú thôn 7, xã Thọ Cường) cho biết: Kể từ khi núi Ngọc được quy hoạch làm mỏ đất, cơ quan chức năng không hề có thông báo hay họp dân để lấy ý kiến. Chỉ đến khi, thấy thông tin chuẩn bị đấu giá được công khai trên UBND xã, người dân mới tá hỏa, vội tập hợp lấy ý kiến và thống nhất phản đối không để núi Ngọc bị “xẻ thịt”.
“Đại diện 755 hộ dân trong toàn xã đã ký vào đơn đề nghị UBND huyện Triệu Sơn và các cấp, các ngành không đồng ý đấu giá mỏ đất tại núi Ngọc vì giá trị lịch sử - cảnh quan - văn hóa của ngọn núi là rất lớn, đã được thể hiện trong các ghi chép, tài liệu lịch sử. Cùng với đó, chúng tôi cũng gửi tâm thư tới Quốc hội, các cơ quan Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa… đề nghị chỉ đạo kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì công nhận núi Ngọc là di tích lịch sử, không cấp phép làm mỏ đất” - ông Độ nói.
Nên giữ nguyên hiện trạng núi Ngọc
Núi Ngọc là ngọn núi duy nhất tại xã Thọ Cường. Bao quanh quả núi này là nơi quần tụ của hàng trăm hộ dân thuộc 4 thôn. Ở dưới chân núi là nghĩa trang của xã Thọ Cường. Nếu múc đất tại núi Ngọc, sẽ ảnh hưởng đến nhiều hộ dân.
Ông Lê Khắc Kháng (82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường) khẳng định: Núi Ngọc là biểu tượng gắn liền với quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã qua các thời kỳ, vì vậy, tâm nguyện của đa phần người dân là muốn giữ lại nguyên trạng ngọn núi.
Ông Phạm Sỹ Khoa - Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường cho biết: Khi biết núi Ngọc sắp bị đem đấu giá, người dân địa phương phản đối gay gắt nên ngày 27/12/2023, UBND xã đã có tờ trình gửi UBND huyện Triệu Sơn đề nghị có ý kiến với UBND tỉnh tạm dừng việc đấu giá mỏ đất. “Từ năm 2017-2019, UBND xã đã có văn bản không đồng ý khai thác đất tại núi Ngọc. Đến năm 2018, 4 sở ở tỉnh đã về khảo sát, đến đầu năm 2023 lại về tiếp, sau đó 2 tháng thì thông báo núi Ngọc sẽ được quy hoạch làm mỏ đất. Cả 2 lần này, lãnh đạo xã đều không được tham gia nên không nắm được thông tin. Về quan điểm chung, chúng tôi cũng như người dân đều không đồng ý việc quy hoạch núi Ngọc thành mỏ đất” - ông Khoa chia sẻ.
Ngày 1/3 vừa qua, Sở TNMT, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện Công an tỉnh, UBND huyện Triệu Sơn, UBND xã Thọ Cường, các thành viên trong Ban sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường đã tổ chức hội nghị sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giao nghiên cứu các kiến nghị của người dân về việc không đấu giá, không khai thác mỏ đất tại núi Ngọc. Tại biên bản làm việc, cơ bản các ý kiến đều đồng thuận với việc nên giữ nguyên hiện trạng núi Ngọc vì đây là nguyện vọng chính đáng của người dân, cần được ưu tiên xem xét nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.