Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến Hà Nội liên tục trải qua các đợt giãn cách xã hội, tác động đáng kể đến xu hướng của ngành du lịch nói riêng và lối sống nói chung khi con người ngày càng mong muốn tìm về sự cân bằng trong cuộc sống.
Lúc này, người dân ngày càng hướng đến lối sống chú trọng sức khỏe, không gian sống riêng tư, an toàn, đồng thời tìm về sự bình yên giữa thiên nhiên để phục hồi năng lượng và cân bằng tinh thần. Theo đó, những căn nhà second homes ngoại ô, resort ven đô… chan hòa với thiên nhiên đang trở thành mơ ước của nhiều người khi phải sống trong 4 bức tường bê tông giữa nội thành Hà Nội.
Chuyên gia Trần Nguyễn Minh Hải - Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, từ khi Covid-19 xuất hiện, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân tăng mạnh. Trong bối cảnh này, thay vì trải nghiệm nghỉ dưỡng vài lần trong năm ở những kỳ nghỉ dài, người dân tại các khu đô thị lớn có nhu cầu sở hữu những không gian nghỉ dưỡng tại gia. Vì vậy, những căn nhà second homes ngoại ô hay resort ven đô nhiều cây xanh và mặt nước lớn, không gian yên bình giữa thiên nhiên, mật độ cư dân thấp sẽ ngày càng được ưa chuộng.
Chị Thanh Nhàn (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, khi nghe tin Hà Nội bắt đầu giãn cách từ ngày 24/7, cả gia đình đã chủ động chuẩn bị đồ đạc "lên núi" ở. Nói là lên núi nhưng thực chất đó là căn nhà ven đô khá rộng của gia đình chị tại xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội.
Chị Nhàn chia sẻ, căn nhà này của gia đình chị sở hữu từ rất lâu nhưng ít khi về ở. Cách đây 10 năm gia đình chị thường về ở nhưng do đi lại không tiện nên cả gia đình chuyển hẳn vào nội đô ở. Gần 2 năm trở lại đây khi dịch Covid-19 xuất hiện, căn nhà trên núi trở thành nơi trốn dịch lý tưởng của cả gia đình nên chị cho sửa sang lại và thuê người trông nom chăm sóc.
“Căn nhà second homes ở ngay địa bàn Hà Nội, cách Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia chỉ tầm 30 km nên mọi việc đi lại của gia đình cũng rất thuận tiện. Khi có việc cần thiết vẫn dễ dàng đến cơ quan hoặc về nhà trong giai đoạn giãn cách”, chị Nhàn cho biết.
Chị Nhàn chia sẻ, dịch dã thế này thương nhất là trẻ con. Giãn cách, không được ra khỏi nhà cả tuần bị giam lỏng trong 4 bức tường. Thực sự người lớn cũng không chịu nổi đừng nói gì đến trẻ con. Nhà trên núi rộng, con trẻ tha hồ chạy nhảy, vui chơi, chan hòa với thiên nhiên.
Chị Nhàn cho biết thêm, dù phải thuê người trông nom chăm sóc nhưng hầu như căn nhà có thể tự nó nuôi nó, chị không cần tốn thêm chi phí hàng tháng. Bởi ngoài sử dụng chị còn cho thuê theo tuần nên rất nhiều người quen, bạn bè có nhu cầu thuê ở, đặc biệt vào mùa hè hay những đợt dịch Covid-19 căng thẳng.
Thực tế cho thấy, trong suốt đợt dịch Covid-19 vừa qua nhà đất ven đô bỗng trở thành "tài sản quý" của người Hà Nội. Anh Tùng - một môi giới BĐS khu vực ven đô chia sẻ, những căn nhà vườn ở vùng ven Hà Nội đã trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho người dân Hà Nội trong thời kỳ giãn cách bởi khi có việc cần thiết chủ nhà vẫn có thể dễ dàng di chuyển về nội đô bởi những căn nhà này vẫn thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo anh Tùng: "Chính bởi giá trị sử dụng lớn nên nhu cầu mua loại hình này ngày càng tăng mạnh trong thời gian dịch bệnh. Đây cũng chính là nguyên nhân phân khúc này sốt nóng tại nhiều khu vực như Ba Vì, Sóc Sơn, Hòa Lạc, Chương Mỹ, Mê Linh hồi tháng 3 vừa qua. Thậm chí, ngay đợt dịch lần này, nhà giàu Hà Nội vẫn âm thầm về quê săn đất, mua nhà, làm trang trại".
Ông Matthew Powell, Giám Đốc Savills Hà Nội nhận định, Việt Nam - sản phẩm bất động sản Second home đang được xem là xu hướng được giới nhà giàu ưa chuộng, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Ngôi nhà thứ hai ven đô, nơi ở yên bình hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên mây trời - sông núi - cây cỏ… sẽ luôn là phân khúc bất động sản được săn tìm nhiều nhất.
Đánh giá về xu hướng nhà ven đô ngoại thành Hà Nội trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, không chỉ BĐS thấp tầng ven đô mà ngay cả các thị trường tỉnh lẻ cũng sẽ chứng kiến đà phục hồi và tăng trưởng trở lại khi nguồn cung tiếp tục khan hiếm và nguồn tiền rẻ ồ ạt đổ vào lĩnh vực này.