Vì sao sân khấu thiếu hấp dẫn?

Phạm Sỹ 13/05/2023 07:10

Để hấp dẫn được người xem cần phải có kịch bản hay. Để làm được điều đó thì sự sáng tạo là hết sức quan trọng, trong đó lực lượng sáng tác kịch bản hay quyết định sự thành công. Tuy nhiên thực tế lâu nay, đội ngũ tác giả sân khấu thiếu cả lượng và chất.

Một cảnh trong vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” kết hợp dựng cải lương với xiếc. Ảnh: Lại Tấn.

Thiếu tác phẩm đề tài đương đại

Nhìn lại Liên hoan Chèo toàn quốc diễn ra hồi tháng 10/2022, nhiều ý kiến đánh giá, kịch bản cho sân khấu thiếu hụt hẳn đề tài đương đại. Với 27 vở diễn tham gia thì chỉ có một vở diễn phản ánh cuộc sống đương đại. Còn lại các tác phẩm vẫn đi trong sự an toàn, đó là tập trung khai thác đề tài lịch sử, dã sử, truyền thuyết và danh nhân.

PGS.TS Trần Trí Trắc - nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình sân khấu từng cho rằng sân khấu chèo lâu nay thiếu những kịch bản hay để tạo sự bứt phá cho tác phẩm; một số soạn giả, đạo diễn không bắt kịp được nhịp sống hiện đại, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại.

Phải thừa nhận đề tài lịch sử hết sức có giá trị, luôn tạo cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên nếu cứ chỉ chăm chăm khai thác trên mảnh đất đó mà không có sự bứt phá ra khỏi vòng an toàn, không khai thác đề tài đương đại thì tình trạng sân khấu vắng khán giả là chuyện đương nhiên. Bởi bữa ăn mà ăn mãi một món sẽ bị chán.

Hiện nay, ngành sân khấu mới chỉ quan tâm đào tạo diễn viên mà thiếu đào tạo tác giả. Có thể dễ hiểu bởi vấn đề tuyển sinh của các trường đào tạo nghệ thuật hàng đầu hiện nay có không ít tác giả của các vở diễn là tay ngang, khi đã là tác giả tay ngang thì họ sáng tác theo cảm hứng. Trong khi đó, nghệ thuật sân khấu đòi hỏi cao về tài năng, tâm huyết và chuyên nghiệp.

TS Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, sân khấu trong nhiều năm qua vô cùng thiếu vắng những tác phẩm đề cập về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm thay đổi con người và đời sống xã hội trong thời kỳ hội nhập. Thực trạng này bộc lộ rõ nền sân khấu của chúng ta đang bị khủng hoảng lực lượng tác giả, một thành phần sáng tạo vô cùng quan trọng của nghệ thuật sân khấu. Đội ngũ tác giả sân khấu hiện tại thiếu về lượng, yếu về chất.

Cảnh trong vở “Thị Nở và Chí Phèo” của Sân khấu Lệ Ngọc.

Liên kết để nâng cao chất lượng tác phẩm

Để khắc phục tình trạng thiếu thốn kịch bản, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thường tổ chức các trại sáng tác kịch bản sân khấu, quy tụ người viết trên cả nước để tạo điều kiện cho họ tập trung sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm. Ở những trại viết đó, đã có những tác phẩm nhận được sự quan tâm nhưng chưa đủ để thực sự đáp ứng được nhu cầu.

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết, Hội Sân khấu Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc tọa đàm giới thiệu kịch bản chất lượng của hội viên với mong muốn sẽ có nhiều kịch bản được các đơn vị nghệ thuật biết đến và dàn dựng hoặc có sự gặp gỡ về ý tưởng giữa các tác giả, đạo diễn, nhà hát để tiến tới cộng tác, phát triển thành tác phẩm sân khấu.

Bên cạnh đó, Hội duy trì các trại sáng tác, thực hiện hỗ trợ sáng tác, giúp tác giả nâng cao chất lượng tác phẩm, đồng thời phát huy vai trò là cầu nối đưa kịch bản của hội viên đến với các đơn vị nghệ thuật phù hợp, từ đó góp phần phát triển sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu cả nước nói chung.

Sân khấu đối thoại trực tiếp với khán giả mà không phải truyền tải qua những màn hình nhỏ. Chính sự trực tiếp đó dễ dàng tác động mạnh đến cảm xúc của khán giả, nhất là nếu vở diễn đó nói về vấn đề nóng đang diễn ra, được xã hội quan tâm. Không thể lấy lý do khó mà bỏ bẵng đề tài đương đại. Chất liệu để sáng tác vẫn luôn diễn ra hàng ngày, hết sức thời sự nóng bỏng… chỉ khi biến đó làm chất liệu để trở thành kịch bản sân khấu thì công chúng mới thu hút được khán giả.

TS Nguyễn Đăng Chương cho rằng, để nghệ thuật sân khấu xuất hiện nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian, cần sự đồng lòng tháo gỡ điểm nghẽn của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và đội ngũ trực tiếp tham gia sáng tạo. Nhìn lại quá khứ. Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cần khẩn trương báo cáo cơ quan chức năng, xin cơ chế đặc thù để nhà nước tài trợ thực hiện Đề án bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tác giả sân khấu khi còn chưa quá muộn.

Bên cạnh vấn đề đào tạo, khuyến khích… thì cần tăng cường sự cộng tác giữa các tác giả và nhà hát. Bởi, bấy lâu nay, hầu như các tác giả phải tự chào mời kịch bản đến các đơn vị nghệ thuật hoặc các nhà hát đặt hàng, chọn tác giả quen thuộc. Trong khi đó, kịch bản của tác giả mới, tác giả trẻ ít được lựa chọn.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, muốn có tác phẩm hay, trước hết, chính các tác giả phải trau dồi vốn sống, kiến thức, tham gia tích cực vào hiện thực đời sống để chuyển hóa vào tác phẩm; đồng thời, mạnh dạn bước vào các cuộc thi, sân chơi về kịch bản để có điều kiện cọ sát, được góp ý nâng cao chất lượng kịch bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao sân khấu thiếu hấp dẫn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO