Theo các chuyên gia trong ngành, việc công bố dịch sởi của TPHCM là để tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực ngăn chặn dịch bùng phát.
Trước tình trạng số ca mắc bệnh sởi liên tục tăng nhanh, tăng cao, ngày 27/8, UBND TPHCM đã công bố dịch sởi trên địa bàn.
Liên quan đến lợi ích của việc công bố dịch sởi, sáng 28/8, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng, việc công bố dịch giúp phát huy mọi nguồn lực để ngăn chặn dịch sởi hiệu quả nhất, giảm nguy cơ dịch bùng phát.
Theo đó, người dân có ý thức hơn trong phòng bệnh này. Lý do, có nhiều phụ huynh không nhớ ngày để đi tiêm vaccine sởi cho con, bận công việc chưa đi tiêm hoặc con mắc bệnh nền nên ngại tiêm.
Đây chính là những nguyên nhân là tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine sởi ít đi. Trong khi đó, theo quy định thì tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở trẻ nhỏ phải đạt 95% trở lên mới giúp ngăn chặn việc xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến thông tin thêm, việc công bố dịch sởi sẽ huy động được nhiều nguồn lực, mua sắm trang thiết bị chống dịch dễ dàng hơn. Đặc biệt, có thể tổ chức tiêm vét, tiêm bù vaccine cho nhiều trường hợp.
“Trước đây quy định tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 18 tháng tuổi thì nay có thể tiêm cho trẻ 3 – 5 tuổi, tiêm cho người lớn, nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân,... Nghĩa là tăng tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong cộng đồng để giảm nguy cơ dịch bùng phát”, bác sĩ Tiến nói.
Cũng theo vị này, bệnh sởi có khả năng lây lan cao hơn cả Covid-19. Một người bị Covid -19 có thể lây sang 2 – 5 người nhưng một người mắc bệnh sởi có thể lây qua 12 – 18 người.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, TPHCM công bố dịch sẽ thuận lợi trong công tác phòng chống dịch vì sẽ huy động được mọi nguồn lực tham gia phòng chống bệnh sởi.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, dù TPHCM công bố dịch sởi nhưng người dân đến du lịch hay đến công tác TPHCM không cần phải lo lắng, hoang mang nếu như đã chích ngừa đủ hai mũi sởi trước đó.
Ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định, việc công bố dịch sởi để các địa phương và ngành y tế có cơ sở triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch và mua sắm thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm,...
Song song đó, TPHCM triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sở không kể tiền sử tiêm chủng cho bé từ 1 - 5 tuổi trên toàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nguy cơ, nêu rõ đối tượng bị tác động và biện pháp dự phòng để người dân không hoang mang.
Thống kê về ca mắc bệnh sởi trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TPHCM (HCDC) cho hay, tuần 34 cũng ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi sống tại TPHCM, trong đó 20 ca dương tính (23,5%), 44 ca không lấy mẫu (51,8%), 17 ca chưa có kết quả (20,0%) và 4 ca âm tính (4,7%).
Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 34 là 525 ca, cụ thể có 209 ca dương tính (39,8%), 164 ca không lấy mẫu (31,2%), 2 ca có kết quả xét nghiệm không xác định (0,4%), 23 ca chưa có kết quả (4,4%) và 127 ca âm tính (24,2%). Trong khi trước đó, từ năm 2021 - 2023, TP.HCM chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi.