Tại Việt Nam xu hướng mắc bệnh ung thư đang tăng lên hàng năm, cả về số ca mắc mới cũng như số ca tử vong. Cùng đó, mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn phát hiện ở giai đoạn muộn.
Số ca mắc mới gia tăng
Báo cáo thường niên từ Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IRAC) trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, gánh nặng ung thư toàn cầu đang ngày một tăng. IARC dự đoán rằng từ nay đến năm 2050, tỷ lệ ung thư sẽ tăng 142% ở các quốc gia kém phát triển và tăng 99% ở các quốc gia có mức phát triển trung bình.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới. Theo thống kê từ GLOBOCAN (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), hàng năm nước ta ghi nhận 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Việt Nam ở vị trí thứ 20 về tỷ lệ mắc mới ung thư tại châu Á, và thứ 101 trên toàn cầu.
Những dữ liệu nói trên phản ánh về thực trạng, số ca mắc mới ung thư tại nước ta tăng dần qua từng năm – gấp 2,6 lần so với năm 2000 và gấp 3 lần nếu so với 30 năm trước. Trong đó, 5 loại ung thư đang dẫn đầu tại Việt Nam là: Ưng thư vú, gan, phổi, dạ dày và trực tràng. Trừ ung thư vú có thể phát hiện sớm với tỷ lệ chữa khỏi hơn 90%, 4 ung thư còn lại trong số này đều rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ung thư gan, phổi. Đây là sự khác biệt về loại hình ung thư tại Việt Nam so với châu Âu - nơi ung thư da chiếm đa số và ít nguy hiểm.
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ở một số nước trên thế giới, tỷ lệ mắc ung thư tăng tuy nhiên ở một số loại ung thư, tỷ lệ tử vong hàng năm giảm. Trong khi đó, số ca mắc và tử vong do ung thư tại Việt Nam đều tăng. Có thể nói, chúng ta đang ở ngưỡng báo động ở tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư. Đây là gánh nặng, thách thức cho nước ta trong công tác phòng chống ung thư.
Trước thực trạng tỷ lệ mắc và tử vong vì ung thư hàng năm vẫn tăng cao, các chuyên gia y tế cho rằng, những nguyên nhân chính khiến số ca mắc mới ung thư gia tăng do bắt nguồn từ môi trường ô nhiễm, thói quen ăn uống, sinh hoạt của bộ phận người dân chưa hợp lý.
Gánh nặng chi phí y tế
Số ca mắc mới và tử vong đều gia tăng mạnh dẫn tới gánh nặng kinh tế do ung thư tại nước ta cũng ngày một nặng nề hơn, với chi phí điều trị căn bệnh này mỗi năm cũng tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Bệnh viện K Hà Nội cho hay, chi phí điều trị ung thư hiện nay rất cao, trung bình gần 180 triệu đồng mỗi bệnh nhân một năm.
Gánh nặng kinh tế này còn trầm trọng hơn, khi rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh và buộc phải điều trị thì bệnh đã trở nặng, đòi hỏi chi phí rất cao cùng việc điều trị phức tạp trong khi khả năng kéo dài cuộc sống bị rút ngắn. Một bệnh nhân ung thư ở giai đoạn nặng có thể tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi năm cho chi phí điều trị bệnh. Điển hình như các phương pháp xạ trị, hóa trị và đặc biệt điều trị đích ung thư (sử dụng thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan rộng của khối u) rất tốn kém, không phải người bệnh nào cũng có khả năng chi trả. Bởi vậy, nhiều gia đình phải phó mặc tính mạng cho số phận mà không thể tiếp tục lộ trình điều trị.
Thông tin từ Bệnh viện K cho biết, có khoảng 25% bệnh nhân phát hiện ra ung thư khi nhập viện cấp cứu. Hầu hết các bệnh nhân này có cơ hội sống thấp hơn so với các bệnh nhân khác, vì khi đó tình trạng bệnh đã trở nên quá nặng.
GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K lý giải: Ở Việt Nam, những loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày, trực tràng. Những bệnh lý này thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao hơn. Trong khi tại nước ta, việc khám sức khỏe định kỳ vẫn chưa được hình thành như một thói quen cần có. Nguyên nhân bởi nhiều người có tâm lý sợ đi khám ra bệnh, người thì e ngại chi phí điều trị cao, đa số chờ đến khi có bệnh mới bắt đầu thăm khám. Với quan niệm sai lầm đó, người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ.
Vaccine giúp chủ động ngăn ngừa ung thư
Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV, trong đó hơn 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Đây là bệnh ung thư nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, chúng ta tiêm phòng để ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh, chứ không phải khi phát bệnh mới đến bệnh viện. Theo Nghị quyết số 104 ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030, năm 2026 vaccine dự phòng ung thư cổ tử cung sẽ được đưa vào chương trình.
Ung thư ngày càng trẻ hóa
Đáng lo ngại hơn là tình trạng trẻ hóa của ung thư trong những năm gần đây. Nếu như trước đây, căn bệnh ung thư thường được phát hiện đối với những người từ 50 - 60 tuổi, thì hiện nay số lượng người trẻ mắc ung thư từ tuổi 25 ngày càng nhiều hơn. Chẳng hạn có những bệnh nhân ung thư trực tràng, ung thư dạ dày khi mới chỉ 12, 13 tuổi.
Theo TS.BS Lê Huy Hòa - Hội Ung thư Việt Nam, thông thường tuổi tác vẫn là yếu tố dự báo nguy cơ ung thư lớn nhất, với khoảng 90% các loại ung thư ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi và một nửa ảnh hưởng đến những người trên 75 tuổi. Nhưng nay đã xuất hiện một vài nhận định ban đầu về loại ung thư tác động trực tiếp đến giới trẻ, trong khoảng thời gian từ 1999 - 2019, các trường hợp ung thư đại trực tràng đã tăng đột biến 70% ở nhóm tuổi 15 - 29 tại các quốc gia công nghiệp phát triển. Ngoài đại trực tràng còn có một số loại ung thư khác phổ biến ở nhóm trẻ tuổi như: ung thư tuyến giáp, ung thư vú, u ác tính, ung thư mô mềm và ung thư xương, ung thư cổ tử cung và buồng trứng, ung thư tinh hoàn.
Một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu, cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010 - 2020, tỷ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.
PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, tỷ lệ bệnh nhân ung thư gia tăng, đặc biệt tăng nhanh ở những người trẻ tuổi thường do những thói quen ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh. “Có 3 tác nhân gây ung thư chính gồm tác nhân vật lý như tia bức xạ, ánh nắng mặt trời..., tác nhân hóa học và tác nhân sinh học như các loại vi khuẩn HP, virus viêm gan B… có trong bia rượu, đồ ăn uống. Với lối sống ít vận động, ngồi văn phòng, lệ thuộc máy tính, điện thoại, đi ngủ muộn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe đối với những người trẻ tuổi. Chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối... Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh ngày càng nhiều. Bên cạnh đấy, sự xem nhẹ các phương pháp bảo vệ sức khỏe và đề phòng bệnh tật cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến số người mắc bệnh nói chung và trẻ tuổi nói riêng ngày càng cao” – PGS.TS Phạm Văn Bình nhận định.
Ths.BS Hoàng Đức Thành - Khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện K): Thay đổi lối sống để phòng bệnh
Ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu trung lại là 2 nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được như hành vi lối sống, môi trường và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gene…). Các yếu tố về hành vi lối sống phải kể tới là hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra ung thư phổi, ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư vú, ung thư đại trực tràng. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, thói quen ít vận động cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh ung thư.
Cần phải nhấn mạnh đối với ung thư, phát hiện càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.