Việc ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, trở thành Thủ tướng thứ 3 của Vương quốc Anh chỉ trong chưa đầy 2 tháng sau khi bà Liz Truss từ chức, đã mở ra nhiều dự đoán tích cực về tương lai của nước Anh trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Ngày 25/10, ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh sau khi được Vua Charles III bổ nhiệm trong buổi lễ tại Điện Buckingham. Tại buổi lễ, Vua Charles III đã yêu cầu ông Sunak thành lập chính phủ mới, sau khi chấp nhận đơn từ chức của bà Liz Truss. Theo kế hoạch, ông Sunak lập tức bắt tay vào việc bổ nhiệm nội các mới và xúc tiến giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ sau khi giành được chiến thắng trong đảng, ông Sunak đã khẳng định ưu tiên hàng đầu là đảm bảo ổn định kinh tế, tiếp đó là thực hiện các cam kết của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019.
“Tôi hiểu rõ mọi khó khăn trước mắt như thế nào và biết rằng, mình có nhiều việc phải làm để khôi phục lòng tin sau tất cả những gì đã xảy ra. Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi không bao giờ nản lòng” – ông Sunak khẳng định thêm, bên ngoài dinh thự số 10 Phố Downing, London.
Ông Sunak, 42 tuổi, trở thành vị Thủ tướng thứ 3 của Anh chỉ trong chưa đầy 2 tháng và là Thủ tướng da màu đầu tiên đồng thời là Thủ tướng trẻ nhất "xứ sương mù" trong hơn 200 năm qua.
Sinh ra và lớn lên tại Anh trong một gia đình gốc Ấn Độ nhập cư, từ nhỏ, ông Sunak đã được đào tạo bài bản, theo học chuyên ngành kinh tế tại các trường hàng đầu của Anh và Mỹ. Sau đó, ông làm việc cho một số công ty tư nhân và mãi đến năm 2015, ông mới bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị.
Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019, ông Sunak được Thủ tướng Boris Johnson bổ nhiệm làm bộ trưởng Tài chính và ghi dấu ấn trong việc góp phần dẫn dắt nền kinh tế Anh vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Có lẽ vì thế mà trong 5 vòng bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi tháng 7 vừa qua nhằm tìm người thay thế Thủ tướng Boris Johnson, ông Sunak luôn dẫn đầu với khẩu hiệu tranh cử "chúng ta cần khôi phục lòng tin và tái thiết nền kinh tế".
Tuy nhiên, trong cuộc đua tay đôi với ứng cử viên Liz Truss, ông Sunak đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu quyết định của đảng Bảo thủ và bà Liz Truss trở thành Thủ tướng mới. Việc bà Truss buộc phải từ chức chỉ sau vỏn vẹn 44 ngày cầm quyền đã mở đường để ông Sunak "tiếp quản" vai trò Thủ tướng, với nhiệm vụ nặng nề là giành lại lòng tin không chỉ của các thành viên đảng Bảo thủ mà còn của người dân Anh.
Theo giới phân tích, nhận nhiệm sở trong tình hình rối ren hiện nay, tân Thủ tướng Sunak phải nhanh chóng tìm lời giải cho những bài toán khó gồm ổn định nội bộ, giải quyết khủng hoảng tài chính công, kiềm chế lạm phát đang leo thang, hóa đơn năng lượng tăng vọt và nguy cơ thiếu điện trong năm 2023, vấn đề thực thi Nghị định thư Bắc Ireland, xung đột Nga-Ukraine...
Ngay sau khi ông Rishi Sunak chính thức trở thành Thủ tướng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời chúc mừng. Trên trang Twitter, ông Macron khẳng định, hai nước sẽ tiếp tục phối hợp để ứng phó với những thách thức chung, trong đó có vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Micheal Martin đã kêu gọi tân Thủ tướng Anh nhanh chóng bắt đầu đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Bắc Ireland. Ông Martin bày tỏ tin tưởng rằng, EU và Anh có cơ hội tìm ra giải pháp chung cho những vấn đề liên quan đến Nghị định thư Bắc Ireland, đồng thời hối thúc ông Sunak nhanh chóng xúc tiến đàm phán với EU về vấn đề này.
Trung Quốc và Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Vương quốc Anh trong thời gian tới.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết, Trung Quốc bày tỏ hy vọng có thể làm việc với Anh nhằm thúc đẩy các mối quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung.
Về phần mình, Nhật Bản tuyên bố sẽ duy trì hợp tác chặt chẽ với Anh dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Rishi Sunak. Phát biểu tại họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nhấn mạnh, Anh là đối tác chiến lược toàn cầu của Nhật Bản trong việc chia sẻ giá trị cơ bản, vì thế Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền tiếp theo của Anh và tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, việc ông Rishi Sunak được chọn làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ chính thức trở thành thủ tướng Anh là quyết định "đột phá" và "rất quan trọng".
Các lãnh đạo EU cũng đã gửi lời chúc mừng ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh, đồng thời nhấn mạnh "ổn định" là điều cần thiết để Brussels và London cùng đương đầu với những thách thức chung.
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola nhấn mạnh, cơ quan lập pháp EU theo đuổi "mối quan hệ vững chắc và mang tính xây dựng với Anh", đồng thời nêu rõ, EU và Anh vẫn cùng chung các lợi ích cốt lõi. Vào thời điểm nhiều thách thức như hiện nay, châu Âu "cần sự ổn định về chính trị và kinh tế".
Cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc mừng ông Sunak trở thành Thủ tướng Anh. Chia sẻ trên Twitter, ông Modi mong muốn hợp tác chặt chẽ với nhà lãnh đạo Anh trong các vấn đề toàn cầu và trong triển khai lộ trình hợp tác đến năm 2030.
Ngay sau chiến thắng của ông Sunak, trong khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng, các thị trường tài chính đã phản ứng tích cực hơn, trong đó đồng bảng tăng nhẹ so với USD, được giao dịch ở mức 1,13 USD đổi 1 bảng Anh và lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm giảm mạnh xuống còn 3,76%.