Vị trí của cà phê Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới?

Linh Trang 01/03/2023 21:10

TasteAtlas - website về ẩm thực lý giải rằng, Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu các loại cà phê Robusta lớn nhất. Và cà phê là một thứ văn hóa quan trọng trong đời sống thường ngày của người Việt.

Mới đây Website ẩm thực Taste Atlas, cái tên được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới”, vừa công bố top 10 loại cà phê ngon nhất trên toàn cầu. Những cái tên sáng giá trên bản đồ ẩm thực bao gồm cà phê Ristretto của Italia (Ý) với vị trí đầu tiên và cà phê sữa đá Việt Nam với điểm trung bình là 4,6/5, xếp vị trí thứ 2. Điểm số này được tính dựa trên số lượt bình chọn của những người đã uống, muốn thử hoặc sẽ thêm vào danh sách thưởng thức khi có dịp.

Theo miêu tả của Taste Atlas, cà phê sữa đá Việt Nam là thức uống kết hợp giữa cà phê đậm đặc, sữa đặc và đá. Cách pha chế cũng vô cùng đặc biệt. Loại cà phê này thường được pha từ hạt Robusta, hạt cà phê tiêu biểu của Việt Nam, bằng cách để nhỏ từng giọt từ từ qua phin, rồi mới trộn với sữa đặc và đá.

Loại đồ uống này cũng có một phiên bản khác là cà phê đen đá, chỉ kết hợp giữa cà phê và đá.

Từ thương hiệu lớn đến "góc nhỏ ven đường"

Nổi tiếng với nhiều loại cafe thơm ngon và thậm chí còn liên tục xuất khẩu ra nước ngoài, người Việt Nam coi cafe như một thức uống không chỉ ngon miệng mà còn giúp tinh thần thoải mái, tỉnh táo.

Thống kê mới nhất của hãng Q&Me công bố trên trang dữ liệu Statista cho thấy: Tại Việt Nam, tổng cộng có 1.524 quán thuộc chuỗi cafe với TP HCM có nhiều quán cà phê nhất ở Việt Nam với 701 tiệm, Hà Nội đứng thứ hai với 341 quán và các tỉnh thành khác chiếm 482 quán. Chưa kể những quán vỉa hè hay các quán cafe "cóc" thu nhỏ trong vài mét vuông.

Một nhà kinh doanh chuỗi cà phê tại TP HCM cho rằng, về văn hóa cà phê, thị trường tại Việt Nam phát triển hơn hẳn so với những nước khác. Vị doanh nhân này lý giải người Việt yêu cà phê, tương tự như trà trong văn hóa ẩm thực của người Nhật Bản hay người Trung Quốc.

Một thống kê cho thấy có tới 65% số người tham gia khảo sát uống cà phê bảy lần trong tuần. Lượng cà phê tiêu thụ tính theo đầu người của Việt Nam sẽ đạt 3 kg trong năm 2023, gần gấp đôi con số 1,68 kg trong năm 2009.

Về nguyên do lượng tiêu thụ ngày càng tăng, nhà kinh doanh chuỗi cà phê cho rằng, Việt Nam vừa có cà phê ngon và hầu hết quán nào cũng bán cà phê. Đặc biệt, quán cà phê Việt Nam không chỉ đơn giản là nơi bán thức uống, nguồn nạp caffeine mà đó là không gian thư giãn, tụ tập và trò chuyện cùng bạn bè. Máy lạnh, WiFi miễn phí còn giúp quán cà phê trở thành nơi học hành và làm việc thay cho văn phòng của giới trẻ.

Những cửa hàng cà phê phân khúc cao tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, giá của một ly cà phê tại Việt Nam có nhiều phân khúc khác nhau, kể cả từ 15.000 đồng đến hơn 100.000 đồng đều có. Chẳng hạn tại The Coffee House có thiết kế năng động và trẻ trung hơn, mức giá phù hợp với sinh viên học sinh. Cao hơn thì có Highlands Coffee, Trung Nguyên và đắt hơn nữa là Starbucks và Phúc Long.

Và thấp hơn nữa thường là những quán cà phê được bán tại những vỉa hè, nơi mà mọi lứa tuổi đều có thể đến ngồi và thưởng thức những hương vị cà phê khác nhau, từ cà phê tươi đến cà phê gói như G7 hay NesCafe.

Hầu hết các quán vỉa hè cũng bán cà phê, đặc biệt là cà phê gói.

Nước có cà phê ngon nhất thế giới cũng tăng nhập khẩu từ Việt Nam

Không chỉ tăng sản xuất trong nước, các chuỗi cà phê Việt Nam luôn tìm kiếm chiến lược và chuẩn bị sẵn sàng để khai phá thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ, trong suốt thập niên qua – theo lời chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang thuộc Trường Quản trị kinh doanh BizUni. Họ phải tìm kiếm một mảnh đất mới bởi thị trường nội địa ngày càng chật hẹp và cạnh tranh dữ dội. Việc khai phá thị trường mới ngày càng cấp bách hơn và mang tính sống còn.

“Chúng ta thường ưu tư là mình từ một nước nhỏ tiếp cận thị trường một nước lớn. Nhưng giờ đây, doanh nghiệp đã vượt qua nỗi sợ đó bởi họ nhìn thấy tiềm năng của một thị trường lớn”, chuyên gia thương hiệu nhận xét.

Điều đặc biệt là ngay tại Italia - nơi xếp hạng nhất trong các nước có cà phê ngon nhất trên thế giới cũng đã tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công thương, Việt Nam xuất khẩu cả cà phê robusta, arabica và cà phê chế biến sang thị trường Ý.

Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta năm 2022 đạt 135.610 tấn, trị giá 278 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng gần 29% về trị giá so với năm 2021. Đặc biệt cà phê arabica đạt 3.330 tấn, trị giá 14 triệu USD, tăng 110% về lượng và tăng 228% về trị giá. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang Ý giảm 12% so với năm 2021, đạt 3,37 triệu USD.

Trong tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Ý tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể đạt 17.270 tấn, trị giá gần 36 triệu USD, tăng 79% về lượng và tăng 81,5% về trị giá so với tháng 12.2022; nếu so với tháng cùng kỳ năm 2022 tăng 30,5% về lượng và tăng 27% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Ý đạt mức 2.067 USD/tấn, tăng 1,4% so với tháng 12/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị trí của cà phê Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO