Tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội, hàng loạt vỉa hè bị lấn chiếm, tận dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán hàng hóa… đẩy người đi bộ xuống lòng đường khiến người dân cảm thấy bức xúc, khó chịu.
Có thực sự khó "dẹp"?
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên nhiều tuyến phố bắt đầu trở nên phức tạp. Dù vỉa hè rộng hay chật hẹp cũng đều được tận dụng làm nơi kinh doanh buôn bán, thậm chí tại nhiều điểm, vỉa hè còn “kiêm” luôn chỗ để xe khiến người đi bộ không còn khoảng trống nào để đi.
Theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, từ tháng 4/2008, Hà Nội đã ban hành Quyết định 20 của UBND về việc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong đó quy định cụ thể nội dung quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, hè phố, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Khi sử dụng hè phố, lòng đường vào mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện đúng các quy định của UBND thành phố.
Mặc dù quy định đã có, nhưng hàng loạt vỉa hè Hà Nội vẫn ngang nhiên bị lấn chiếm. Đáng nói hơn, gần như việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở việc “bắt cóc bỏ đĩa” khi lực lượng chức năng có mặt các hộ kinh doanh buôn bán đều chấp hành nghiêm nhưng khi vắng mặt vỉa hè “lại đâu vào đấy”.
Chị Hà Thùy Linh (phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Cả một đoạn đường dài đều bị các hộ kinh doanh buôn bán bày biện hàng hóa, thậm chí là bày ngay cả bàn ra vỉa hè để cho khách ngồi. Muốn đi bộ qua mình đều phải luồn lách qua những hàng xe… mới có thể di chuyển qua nhưng nhiều lúc còn bị chủ quán mắng. Trong khi vỉa hè là của người đi bộ. Nhiều lúc đi dưới lòng đường có xe máy, ô tô đi với tốc độ nhanh, rất nguy hiểm cho người đi bộ”.
Theo chị Linh, ám ảnh nhất là những lúc đi chơi trên phố cổ, vỉa hè trơn và bốc mùi hôi do các hàng quán bán đồ ăn. Không chỉ mất vệ sinh mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đặc biệt, Hà Nội là nơi có rất đông khách du lịch ghé qua, nhưng việc để vỉa hè lộn xộn, nhếch nhác sẽ khiến nhiều khách du lịch mất cảm tình với Thủ đô.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Huy (trú tại Cầu Giấy) cho biết: “Theo tôi được biết năm 2017 Hà Nội đã có các chiến dịch dẹp lại vỉa hè. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa triệt để khiến các hàng quán lại bày bán bình thường sau mỗi đợt ra quân. Tôi biết, thói quen ăn uống vỉa hè của người dân Hà Nội đã có từ rất lâu và rất khó bỏ. Nhưng nếu nhà nước đã có quy định việc vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ thì người dân cũng cùng chung tay không ngồi vỉa hè để các hộ kinh doanh không còn lấn chiếm để kinh doanh cũng là việc cần làm”.
Anh Nguyễn Văn Chiến (quận Hoàn Kiếm) cũng cho hay, không chỉ vỉa hè Hà Nội bị lấn chiếm để kinh doanh, mà sau mỗi đêm bán hàng vỉa hè Thủ đô lại đầy giấy ăn, rác thải…
“Dẹp lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường có khó đến mức không làm được? Nếu áp dụng xử phạt mạnh, quyết liệt làm thì còn ai dám lấn chiếm? Tôi nghĩ trách nhiệm trước hết thuộc những người đứng đầu cấp phường sở tại, quan trọng là có thực sự muốn giành lại vỉa hè không?”, anh Chiến bức xúc nói.
Hà Nội chỉ đạo nóng
Những ngày gần đây, việc “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” tiếp tục nóng lên khi Ban chỉ đạo 197 đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý giải quyết vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn toàn TP Hà Nội, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi". Đồng thời, Ban Chỉ đạo 197 nêu rõ quan điểm làm đến đâu dứt điểm đến đó trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội giao Công an thành phố hàng tháng tập hợp những tồn tại, hạn chế của các sở, ngành, ban chỉ đạo 30 quận, huyện, thị xã. Từ đó phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm (hạ thi đua, cắt thi đua); đề xuất các hình thức xử lý theo quy định và báo cáo UBND thành phố.
Đồng thời, kiến nghị Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố không duyệt đề xuất các hình thức thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị có tồn tại, hạn chế (có công văn đôn đốc nhắc nhở hoặc phiếu giao việc của cơ quan thường trực quá 2 lần/đợt; để tồn tại các điểm vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông… phức tạp, gây bức xúc dư luận, bị báo chí, người dân phản ánh…) trong thực hiện kế hoạch này. Ngoài ra, Công an TP Hà Nội có nhiệm vụ đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc khi thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm.
Anh Vũ Đình Trường Long (quê Quảng Ninh) cho biết, khi đi dạo ở các tuyến phố như Hàng Đào, Hàng Gai và xung quanh hồ Gươm, anh khá bất ngờ vì vỉa hè thông thoáng, đường phố khang trang, sạch sẽ không còn rác thải.
"Đây là lần thứ tư tôi tới Hà Nội du lịch, dù chưa biết đến chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ của Hà Nội nhưng tôi cảm thấy vỉa hè đã rộng rãi hơn, không phải đi xuống lòng đường khi đi dạo quanh hồ Gươm. Hơn nữa, các tuyến phố ở đây không còn nhiều rác như trước nữa", anh Long nói.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm trật tự đô thi, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường bằng hình thức xử phạt, với phương châm "thượng tôn pháp luật để xây dựng trật tự đô thi, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường"; "không có vùng cấm, không ngoại lệ, không bao che vi phạm".
Để đạt được mục tiêu này quận Hoàn Kiếm đã tiến hành phân loại các tiêu chí về trật tự đô thi, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường ở các khu vực, tuyến phố.
Cụ thể, các khu vực, tuyến phố kiểu mẫu gồm 12 tuyến phố: Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Hàng Khay, Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Gai, Hàng Bông.
Tại các tuyến phố này, tiêu chí đặt ra là: không để phương tiện trên hè phố; không cấp phép để các loại phương tiện; không có xe dừng đỗ trái quy định tại lòng đường, vỉa hè; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán; tuyến phố luôn sạch sẽ mức độ cao, không có rác tồn đọng; biển hiệu, biển quảng cáo, mái hiên, mái che đúng quy định.
Cấp độ 1 gồm 20 phố văn minh đô thị và 5 khu vực trọng điểm (khu vực Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội; quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; quảng trường 19-8; quảng trường 1-5; khu vực Nhà thờ Lớn): phương tiện xe máy, xe đạp chỉ được để trên hè tại những nơi được cấp phép; không có xe ô tô dừng đỗ trái quy định tại hè phố, lòng đường; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán; tuyến phố sạch sẽ không có rác tồn đọng; biển hiệu, biển quảng cáo, mái hiên, mái che đúng quy định.
Cấp độ 2 gồm 86 tuyến có tên gọi là phố: phương tiện xe máy, xe đạp được để trên hè song phải để gọn gàng theo vạch kẻ sơn; không có xe ô tô dừng đỗ trái quy định tại hè phố, lòng đường; không có các vi phạm lớn về kinh doanh bán lấn chiếm hè phố, lòng đường; tuyến phố tương đối sạch sẽ, không có rác tồn đọng lưu cữu; biển hiệu, biển quảng cáo, mái hiên, mái che đúng quy định.
Cấp độ 3 gồm các tuyến phố, ngõ, ngách còn lại: có thể sắp xếp một số hộ kinh doanh cho các hộ nghèo, đảm bảo lối đi cho người đi bộ, không có các vi phạm bức xúc về trật tự tạo thành tụ điểm.