Một vấn đề “tưởng nhỏ” nhưng lại được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV quan tâm. Đó là câu chuyện vỉa hè.
Theo bà Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc), Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, thì kinh tế vỉa hè được coi là nét đặc trưng của đô thị, cũng là nét đặc biệt thu hút khách du lịch có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. “Ở Việt Nam, kinh tế vỉa hè càng đặc trưng hơn, ở đó còn có cả câu chuyện về văn hóa, lịch sử truyền thống” - bà Dung nói và cho biết, người dân đô thị lâu nay vẫn quen với việc mua sắm tiện lợi ngay trên vỉa hè, lề đường, miễn không cản trở giao thông và người đi bộ khác. Từ đó, nhiều người đã mưu sinh từ vỉa hè. Thay vì cố gắng xóa bỏ tình trạng này, chính quyền nên có chính sách linh hoạt, mềm dẻo. Sẽ vẫn là bài toán khó nếu không nâng cao ý thức của người dân cùng với cách thức thực thi, chấp hành pháp luật.
Còn với bà Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), việc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra quân rất nhiều lần để giành lại vỉa hè, nhưng cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” vì lực lượng chức năng chỉ dẹp được trong một vài ngày, thực hiện chiến dịch ra quân xong rồi thôi. “Nguyên nhân là chúng ta chưa có một giải pháp căn cơ và thực sự hiệu quả” - bà Nga nói và cho rằng vấn đề trở nên phức tạp còn đến từ sự quản lý lỏng lẻo từ chính quyền và lực lượng chức năng tại cơ sở, thậm chí có những nơi còn có sự “tiếp tay, thỏa thuận ngầm nhằm chia sẻ lợi ích”. Đại biểu lưu ý, muốn công cuộc giành lại vỉa hè hiệu quả, cần phải điều tra rất kỹ nguyên nhân vỉa hè thường xuyên bị chiếm dụng bởi những đối tượng nào. Một phần trong số đó là dân nghèo thành thị, họ buộc phải bám vào không gian đó để mưu sinh. Muốn giải quyết triệt để, cơ quan chức năng và chính quyền cần phải tìm cách giải quyết kế sinh nhai cho họ.
“Chúng ta phải linh hoạt trong xử lý chứ không thể mạnh tay theo kiểu triệt đường sống của người ta được, nên phải có tính toán rất kỹ lưỡng” - bà Nga nêu quan điểm.
Hóa ra câu chuyện vỉa hè cũng lại là việc an sinh xã hội. Trước nay chính quyền các đô thị đã rất nhiều lần “ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, nhưng rốt cục cũng lại bị “tái chiếm”. Vấn đề như ĐBQH nêu, để không biến việc này thành chuyện hình thức, phong trào thì cần phải tìm hiểu rất kĩ lưỡng, có giải pháp lo cho những người dân mưu sinh nhờ vào vỉa hè. Đó mới chính là giải quyết vấn đề một cách căn cơ, gốc rễ không để lặp lại tình trạng hô hào, ra quân theo phong trào nhưng hiệu quả lại không cao.