Việc làm công nghệ: Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Dung Hòa 24/10/2023 08:27

79% sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có việc làm trước khi nhận bằng, những ngành nghề “đắt” việc là công nghệ thông tin, công nghệ máy tính và các chuyên ngành kỹ thuật khác.

Nhiều doanh nghiệp khát nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.

Nhu cầu lớn

Bên lề lễ tốt nghiệp dành cho sinh viên ra trường vừa qua, PGS Nguyễn Phong Điền - Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hơn 2.900 sinh viên của trường tốt nghiệp trong tháng 10/2023. 79% có việc làm trước khi nhận bằng với mức lương trung bình 11,5 triệu đồng. Theo ông Điền, tỷ lệ lớn sinh viên có việc làm trước khi nhận bằng là nhờ việc kết hợp với doanh nghiệp trong đào tạo. Sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp từ rất sớm qua các chương trình thực tập, nhờ đó có cơ hội làm quen văn hóa doanh nghiệp từ năm thứ ba, thứ tư, có nhiều thông tin để lựa chọn nơi làm việc phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp.

Tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam, các doanh nghiệp cho hay đang có nhu cầu tuyển dụng 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành thiết kế vi mạch. Hội thảo này thu hút sự tham gia của đại diện gần 40 cơ sở giáo dục ĐH; đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn; các chuyên gia trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Theo Bộ GDĐT, Việt Nam được cho là sẽ trở thành một trong những quốc gia chủ chốt của ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch. Hiện trên 50 doanh nghiệp FDI lớn về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất về nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành đào tạo này cần đi đầu, dẫn dắt, định hướng để bắt kịp cơ hội, cần chuẩn bị kỹ càng về nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao ngành bán dẫn.

Sẵn sàng thích ứng

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trình độ ĐH trở lên trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ trong 5 năm tới là khoảng 20.000 người; trong 10 năm tới khoảng 50.000 người. Tuy nhiên, làn sóng sa thải công nghệ lan đến Việt Nam khiến thị trường 1-2 năm tới khó khăn, sinh viên năm cuối gặp thách thức trong tìm kiếm việc làm.

Tại ngày hướng nghiệp trường ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Đức, chuyên gia cấp cao tại Công ty Trapets Vietnam cho biết giai đoạn 2020-2021, khi Covid-19 mới xuất hiện cùng nỗi sợ FOMO - sợ bỏ lỡ cơ hội, bị bỏ lại trong cơn bão Covid, các công ty công nghệ tuyển dụng ồ ạt, mức lương tăng gấp rưỡi so với các năm trước. Nhưng đến nay, làn sóng sa thải ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam bởi thị trường Việt Nam chủ yếu gia công sản phẩm. Các công ty nước ngoài không thuê nữa, công việc không còn nhiều. Ông Đức cho rằng, các sinh viên đang đứng trước một thách thức rất lớn khi thị trường đang xuống thấp điểm. Có thể tình hình sẽ tốt hơn trong năm sau nhưng sinh viên ra trường vẫn cần nhiều nỗ lực hơn để có công việc tốt.

PGS Phó Đức Tài - Trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có chung nhận định trên. Ông Tài đánh giá cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường trong năm nay sẽ rất khó khăn. Dự báo, tỷ lệ sinh viên nhóm ngành Công nghệ thông tin của trường có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp sẽ không còn giữ được ở mức 95% như những khóa trước.

Dẫu vậy, các chuyên gia nói cho rằng tình trạng này chỉ mang tính giai đoạn và khó khăn nhất là trong 1-2 năm tới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đức, dù khó khăn, các công ty lớn vẫn rất khát nhân lực thực sự tài năng và sẵn sàng chi hầu bao để tuyển dụng. Sinh viên cần trang bị ba lợi thế gồm tư chất tốt, trường tốt và người hướng dẫn tốt. Ông lưu ý sinh viên cần trang bị ba kỹ năng là làm việc nhóm, nghiên cứu, đọc mã; thành thạo ba công cụ phát triển phần mềm là Git, Jira và Email. Ông Đức khuyên sinh viên mới ra trường thời điểm này nên đặt vấn đề tiền lương xuống dưới một số tiêu chí khác, ứng tuyển vào các công ty làm sản phẩm để phát triển bản thân nói riêng và ngành công nghệ thông tin nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc làm công nghệ: Cơ hội nhiều, thách thức lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO