Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, giải ngân vốn đầu tư công, việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chưa được cải thiện nhiều; công tác quy hoạch chưa đạt tiến độ.
Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Tại phiên họp lần này, Chính phủ thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022, tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2023; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cùng một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 8 và 8 tháng vừa qua, chúng ta thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều biến động, nhiều yếu tố bất lợi. Kinh tế, chính trị quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhất là xung đột Nga-Ukraine. Nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn.
Thủ tướng cũng khái quát lên việc các quốc gia phải đối mặt cùng lúc nguy cơ tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái; chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ và tình trạng giá cả nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát gia tăng, giá dầu, khí đốt tiếp tục biến động. Dịch bệnh quay lại và diễn biến phức tạp hơn. Trước nhiều bất định, các quốc gia, khu vực kinh tế có những phản ứng chính sách chống dịch, chính sách tiền tệ khác nhau. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp, trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc.
Tuy nhiên, điểm sáng được Người đứng đầu Chính phủ nhắc đến khi trong bối cảnh đó chúng ta tiếp tục giải quyết đồng thời nhiều nhiệm vụ. Theo đó, xử lý các vấn đề tồn đọng trong nội tại nền kinh tế, các dự án thua lỗ, kéo dài quy mô lớn, các tổ chức tín dụng yếu kém, một số dự án kéo dài đội vốn, lượng vốn nằm ở đây rất lớn, nếu không xử lý thì sẽ rất lãng phí; các nhiệm vụ thường xuyên cũng nặng nề hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, yêu cầu của nhân dân ngày càng cao, cạnh tranh giữa các nền kinh tế gay gắt hơn; các vấn đề đột xuất nhiều hơn do thị trường thu hẹp, liên quan giá dầu, biến động tỷ giá, lạm phát.
Nhắc đến thành quả, Thủ tướng cho rằng, chúng ta tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, CPI 8 tháng tăng 2,58%; thúc đẩy tăng trưởng; bảo đảm các cân đối lớn, xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 498 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 3,96 tỷ USD; xuất khẩu nông sản khoảng 36,3 tỷ USD, bảo đảm năng lượng, cung cầu lao động; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường, cùng cố đối ngoại phù hợp tình hình; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tăng lên; số khách du lịch nội địa 8 tháng qua bằng cả năm 2019.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra, giải ngân vốn đầu tư công, việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chưa được cải thiện nhiều; công tác quy hoạch chưa đạt tiến độ; các vấn đề giá cả, áp lực lạm phát, thị trường thu hẹp cần giải pháp tích cực hơn. Do đó cần chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được. Nhận định khách quan về kết quả, nguyên nhân; phân tích kỹ lưỡng, đầy đủ, sát thực để làm rõ những khó khăn, thách thức, các bài học kinh nghiệm, rà soát, xác định các nhiệm vụ, công việc, đề án phải tập trung hoàn thành trong tháng 9 và thời gian tới.