Ung thư biểu mô tế bào gan là một dạng ung thư gan thường gặp - chiếm khoảng 75% các ca ung thư gan tại nước ta, đây là một trong những bệnh lý ác tính với số ca mắc cũng như tử vong hàng đầu và có xu hướng ngày càng gia tăng cùng trẻ hóa. Theo số liệu từ Bộ Y tế, 90% nguyên nhân gây ra ung thư biểu mô tế bào gan là do nhiễm virus viêm gan B. Đáng nói, ở Việt Nam, bệnh lý viêm gan virus B thuộc khu vực cao nhất thế giới.
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Medlatec, nơi này vừa tiếp nhận bệnh nhân T.V.H. (36 tuổi, Hà Nội) đến kiểm tra định kỳ, bất ngờ phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan. Cụ thể, bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra định kỳ với tiền sử bị viêm gan B mạn tính chưa điều trị, không theo dõi thường xuyên. Do vậy, bác sĩ chỉ định bệnh nhân H. làm xét nghiệm men gan, đánh giá nồng độ virus và siêu âm ổ bụng. Kết quả xét nghiệm có chỉ số men gan GGT tăng, xét nghiệm HBeAg dương tính, xét nghiệm HBV DNA nhằm xác định số lượng hay nồng độ của virus trong máu của người bệnh nhiễm virus viêm gan B tăng (1.4700.000), xét nghiệm dấu ấn sinh học ung thư biểu mô tế bào AFP và PIVKA II tăng. Trên hình ảnh siêu âm phát hiện khối u gan có kích thước còn nhỏ. Sau đó bệnh nhân H. được chụp thêm phim cắt lớp vi tính thì khối u có đặc điểm nghi ngờ ác tính. Sau khi sinh thiết, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, chuyên gia Gan mật, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho hay: Tỷ lệ mắc viêm gan virus ở nước ta vào khoảng 10-15% dân số. Viêm gan B là nguyên nhân gây ra hơn 80% số ca bệnh về gan như xơ gan, suy gan, ung thư gan... Tuy nhiên, viêm gan B có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Viêm gan B là “sát thủ thầm lặng”, do triệu chứng ban đầu không rõ ràng nên người bệnh dễ bỏ qua nên người dân thường chủ quan. Như trường hợp của bệnh nhân H. là một ví dụ điển hình mắc ung thư gan do không theo dõi thường xuyên.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm gan B là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm, gây ra cái chết cho hơn 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Theo thống kê, hiện nay toàn cầu có hơn 300 triệu người mắc viêm gan B, con số này không ngừng tăng lên từ 3-4 triệu người mỗi năm.
Không chỉ là nguyên nhân chính gây ra ung thư gan, viêm gan B còn có thể gây ra những biến chứng khác nguy hiểm như suy gan và xơ gan. Mặc dù viêm gan B có thể được điều trị khỏi nếu phát hiện sớm, nhưng theo các chuyên gia y tế, không ít người dân tới viện trong giai đoạn muộn, dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Một trường hợp cụ thể tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân N.T.N. (39 tuổi) là công nhân ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Sau khi sinh con đầu, chị phát hiện cả mẹ và con đều bị viêm gan B. Tuy nhiên, do không có điều kiện và mải làm ăn nên chị không theo dõi và điều trị bệnh liên tục. Lần này chị mang thai con thứ 3, đến tuần thai thứ 25 thì xuất hiện các dấu hiệu vàng da, vàng mắt, chán ăn và khó tiêu, mệt mỏi. Chị đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương được chẩn đoán suy gan cấp, đe dọa tính mạng cả 2 mẹ con nên đã được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy gan nặng, chức năng gan chỉ còn 32%, men gan là 1759 UI/L (tăng gần 50 lần so với mức giới hạn cho phép), mức độ vàng da Billirubin tăng gần 500 (tăng hơn 20 lần mức độ cho phép). Tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, có thể đe dọa tính mạng của cả 2 mẹ con.
Ông Cường cho biết, viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam với gánh nặng bệnh tật rất lớn. Khi bị nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Đáng chú ý, bệnh viêm gan virus thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế, tiêm vaccine phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và nên tiêm càng sớm càng tốt. Cần tiêm cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu nồng độ kháng thể trong máu thấp cần tiêm đủ 3 mũi, trong 3 tháng, sau đó nhắc lại). Phụ nữ trước và sau khi có thai cần được khám sàng lọc và kiểm tra xem có nhiễm virus viêm gan B hay không để điều trị kịp thời tránh lây sang cho con.
Ngoài ra, phòng bệnh cần tuân thủ đúng quy trình thực hành chuẩn trong các cơ sở y tế (sử dụng bơm kim riêng hoặc khử khuẩn các dụng cụ nội soi, thăm dò,…); Quan hệ tình dục thủy chung, an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm virus viêm gan B. Nên đi khám sức khỏe định kỳ để chắc chắn không bị nhiễm bệnh để đi tiêm phòng, những người bị viêm gan B mạn tính cần được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa và được cấp thuốc theo hệ thống bảo hiểm y tế. Nên tránh uống rượu bia, khi dùng bất cứ thuốc gì cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để hạn chế tổn thương thêm cho gan.
Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng hơn 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C; 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan; 22.000 người tử vong vì ung thư gan.