Viện K ngày cuối năm

Minh Hà 31/01/2016 09:05

Chỉ còn đúng 1 tuần nữa là Tết, không khí náo nức đón Xuân đang hối hả, vậy mà tại Bệnh viện K Trung ương, cảm giác mọi nỗi lo lắng đang dồn cả vào đây, Tết dường như còn như ở đâu đó rất xa…

Khi nhà có người bị “K”

12 giờ trưa, sân bệnh viện K Trung ương vẫn người đứng, kẻ ngồi với ngổn ngang nào giấy tờ, bệnh án, phích nước, hộp cơm…Bác sĩ, y tá bắt đầu khép cửa nghỉ trưa sau cả một buổi sáng tất bật với người bệnh. Ở một khoảng cuối sân, hai người phụ nữ đen đúa, nhỏ thó ngồi như lọt thỏm trên 2 chiếc ghế nhựa.

- 12 giờ rồi mà hai bác vẫn chưa đi ăn à?

Thấy tôi hỏi thăm, người phụ nữ trẻ hơn, chừng ngoài 50 nhanh nhảu trả lời:

- Chưa cô ạ, tôi đang đợi ông ấy ra rồi hai vợ chồng ăn luôn, cơm chuẩn bị đây rồi.

Bà tên Minh nhà ở Gia Viễn, Ninh Bình. Từ ngày chồng phát hiện ra căn bệnh ung thư trực tràng quái ác hồi tháng 6 năm ngoái, bà bỏ hết ruộng vườn cho anh em họ hàng giúp, rồi tay xách nách mang cứ dăm bữa nửa tháng lại theo chồng lên Hà Nội. Khi ở nhờ nhà người thân, lúc thuê nhà trọ, ông cần cứ ới một tiếng là bà đã ở bên cạnh. “Nhà nông không bám vào ruộng thì chỉ có chết đói, nhưng ông ấy đổ bệnh mình phải theo chứ biết làm sao”, bà bảo vậy.

Bà Minh ngậm ngùi kể, cái ngày ông ấy nhận kết quả ở bệnh viện Ninh Bình về rồi nằm vật ra giữa nhà, mắt trừng trừng nhìn lên trần rồi quay sang bảo tôi, cứ để vậy mà chết, đừng có khám chữa gì sất. Tôi lén mang cái sổ đỏ ra ngân hàng cầm cố vay được 100 triệu. Ông ấy biết chuyện cũng chẳng nói thêm câu gì, cứ thở dài thườn thượt.

Có tiền, hai vợ chồng bắt đầu đón xe lên viện K Trung ương. Ăn trực nằm chờ rồi các bác sĩ chỉ định mổ, xạ trị, thuốc thang…30 triệu đồng hết vèo trong 1 tháng trời. “Cũng may có thẻ bảo hiểm hộ nghèo được giảm một nửa. Thế nhưng từ tháng 6 đến nay cứ đi đi về về, tiền nọ thuốc kia…100 triệu vay ngân hàng cũng xém hết rồi cô ạ”, bà cười méo mó.

Thế bệnh tình bác trai có đỡ chút nào không ạ? Bà cười buồn, người ung thư thì như trứng treo đầu gậy, rơi xuống là vỡ. Mình có bệnh thì cứ chạy chữa theo bác sĩ thôi.

- Đúng đấy cô ạ. Một bác già hơn ngồi bên cạnh từ nãy giờ thêm vào. Ông nhà tôi từ ngày bác sĩ chẩn đoán ung thư não đến giờ thì cũng chẳng còn có khái niệm khỏi hay không khỏi. Sống ngày nào thì biết ngày đó thôi. Nhà tôi ở Thái Nguyên cũng đã cầm cố, rồi vay mượn họ hàng làng xóm, giờ tính cũng phải nợ đến cả trăm triệu, vậy mà bệnh tình ông ấy vẫn ngày càng nặng thêm. Biết chắc khó chữa khỏi lắm cô ạ nhưng mình vẫn chứ phải theo chứ biết làm thế nào.

Quá trưa, mưa cuối đông ngày càng nặng hạt. Người đội mưa đi ăn trưa, người lại co ro ngồi như thất thần. Ăn cũng chết, không ăn càng chết, tiếng người nhà ai đó động viên người thân của mình. Có lẽ nỗi lo nào ở đây cũng giống nhau, tiền bạc trôi đi tuồn tuột nhưng bệnh tật có thuyên giảm hay không chẳng ai dám chắc.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện K, một ngày bệnh viện tiếp nhận trên 1.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú, từ 4.000 - 5.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số 1.000 bệnh nhân đến khám hằng ngày được chia ra làm hai loại. Một là đối tượng đến khám mới, hai là đối tượng đã phát hiện ung thư, đang trong quá trình điều trị và tái khám.

Số ca mắc ung thư tăng mạnh

Những năm gần đây, số người bị ung thư ở Việt Nam đang gia tăng mạnh. Theo số liệu thông kê của Dự án phòng chống ung thư quốc gia, mỗi năm, nước ta có thêm 200.000 ca mắc ung thư mới, 80% số ca phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, 1/3 số ca mắc bệnh bị tử vong. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ bệnh nhân ung thư tử vong cao nhất thế giới.

Nguyên nhân khiến cho tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì bệnh ung thư ở nước ta theo các bác sĩ là do việc tầm soát bệnh không được làm tốt và bệnh thường được phát hiện ra khi đã quá muộn, việc chữa trị không còn có nhiều ý nghĩa cải thiện tình trạng bệnh. Bởi về nguyên tắc, ung thư là một trong những căn bệnh chữa trị phức tạp nhất nên phát hiện sớm, điều trị, phẫu thuật sớm được xem là phương pháp tốt để loại bỏ khối u gây ung thư.

Ngoài ra, theo PGS, TS Trần Văn Thuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện K, hiện nay tỷ lệ mắc ung thư gia tăng ở cả thế giới và Việt Nam. Nguyên nhân gây ung thư thì thuốc lá chiếm 30%, điển hình là ung thư phổi và ung thư vòm họng. Có 30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chứa chất bảo quản. Và từ 5-10% các bệnh ung thư liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, các loại virút, thuốc trừ sâu, người làm việc trong môi trường độc hại cũng có nguy cơ mắc ung thư cao.

PGS.TS Ngô Thị Thu Thoa, nguyên Phó Trưởng khoa Giải phẫu bệnh - tế bào (Bệnh viện K Hà Nội) cũng cho biết, ung thư không giống như những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn có thể phát hiện ra ngay. Việc tích lũy bệnh là quá trình lâu dài, tùy theo cơ địa mỗi người. Càng hấp thụ vào cơ thể lượng thực phẩm nhiễm độc nhiều thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng lớn.

Vậy liệu có thể phòng tránh được bệnh ung thư là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều người. Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Ung thư thế giới (WCRF), hàng năm, một phần ba số ca ung thư có thể phòng tránh được nếu thực hiện một chế độ dinh dưỡng cân bằng như ăn nhiều rau quả, trái cây, ăn ít thịt, ít uống rượu, ít ăn muối, tập luyện thể thao hàng ngày.

Một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng như các bữa ăn cần có đủ các nhóm thực phẩm, trong đó thực phẩm có nguồn gốc thực vật đóng vai trò chính yếu. Ngoài ra, không nên phát triển tình trạng tăng cân nhưng cũng không nên để cơ thể quá gầy ốm. Cùng với chế độ ăn uống, tập luyện thì hạn chế uống rượu vì các thức uống có cồn rất dễ làm gia tăng tai biến của nhiều loại ung thư như vòm họng, hầu, gan, trực tràng, vú. Và một điều hết sức lưu ý là nấu chín thức ăn ở nhiệt độ vừa phải, không nên thường xuyên ăn các loại thịt rán, nướng hoặc dùng lại dầu mỡ đã qua chiên xào.

“Ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp. Hiện, cả nước có 6 bệnh viện chuyên khoa về ung thư, bên cạnh đó có 50 trung tâm, đơn vị đáp ứng được cơ bản nhu cầu khám, phát hiện sớm và điều trị ung thư cho người dân trên cả nước” - PGS, TS Trần Văn Thuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện K.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viện K ngày cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO