Ngày 24/11, tại hội thảo quốc tế về “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng: Năng lượng có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia và là một nhu cầu thiết yếu đối với sinh hoạt của con người.
Việt Nam xác định, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Để xác định các quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp có tầm chiến lược đối với phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 được đánh giá là có nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại.
Theo ông Hiển, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện. Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong đó tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ KWh, ngành điện cần đầu tư với quy mô rất lớn.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; trong giai đoạn 2031-2045 là 184,1 tỷ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA với những điều kiện vay thuận lợi ngày càng hạn hẹp, để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế trên bình diện quốc gia, ông Hiển cho rằng: Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn.
Từ đó đặt ra yêu cầu cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong điều hành vĩ mô, nhất là về chính sách tài chính- tiền tệ và đầu tư.
Tiếp tục cải thiện tính công khai, minh bạch, phục vụ cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng cường phối hợp giữa cơ quan Việt Nam trong cung cấp thông tin và thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Cũng theo ông Hiển, cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế. Thực thi sớm yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện đã nêu tại Nghị quyết 55.