Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một điển hình của hội nhập trong khu vực. Việc AEC chính thức ra đời vào ngày 31/12 tới đây với không gian thị trường hơn 600 triệu dân và có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030 chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các DN Việt Nam. Đó là nhận định của giới chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC diễn ra ngày 13/12, tại Hà Nội.
AEC tạo khí thế và động lực mới cho doanh nghiệp Việt.
Đòn bẩy mở rộng thị trường
Hội nhập với AEC, Việt Nam có vị trí tốt để có thể hưởng lợi từ các dòng tài chính và thương mại toàn cầu. Có một nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, hội nhập AEC có thể tạo ra 14 triệu việc làm cho 6 nền kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam. AEC có thể trở thành một đòn bẩy thúc đẩy việc mở rộng sản xuất và thương mại và là động lực cho việc nâng cao các tiêu chuẩn lao động và mức sống. Riêng đối với Việt Nam, tham gia AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để mở rộng thị trường bằng chi phí đầu vào thấp hơn cũng như khả năng nhận được cơ hội đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC, tiếp tục khẳng định về những cơ hội đối với cộng đồng DN Việt Nam là rất lớn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Cơ hội cho DN khi AEC hình thành đó là mở ra nhiều thị trường cho DN, tạo khí thế và động lực mới cho DN…
Tuy nhiên AEC cũng mang lại nhiều thách thức như DN sẽ phải cạnh tranh hàng hóa vô cùng lớn khi trình độ phát triển thấp hơn và sự phát triển lại tương đồng, dịch vụ thấp hơn, sự lưu chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn. Và các DN Việt cần phải có sự chuẩn bị tích cực hơn để đón đầu những cơ hội đang ở phía trước.
Nhấn mạnh về những khó khăn mà các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt, ông Nguyễn Hồng Cường – Vụ trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao cho rằng, hội nhập AEC, môi trường kinh doanh rộng lớn hơn và thuận lợi hơn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác.
“Tuy nhiên, các DN cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam. Một số DN với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt” – ông Cường bày tỏ quan điểm.
Năng suất lao động sẽ tăng gấp đôi
Vị Vụ trưởng ASEAN cũng nêu lên những cơ hội mà người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng thụ khi hội nhập với AEC, đó là được sống trong môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn…
Đứng ở vai trò nhà quản lý, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định: “Với một tiến trình hội nhập đang diễn ra rất nhanh như hiện nay, khả năng nắm bắt của các DN Việt hiện vẫn là điều trăn trở”. Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Hải nêu quan điểm: Vai trò của Chính phủ ở đây là mở đường, khai phá để DN khai thác thông qua việc ký được các FTA, TPP…. Tuy nhiên con đường đã có nhưng DN vẫn chưa bước đi được bởi phần lớn các DN Việt còn yếu, do đó vai trò của Chính phủ trong việc thuận lợi hóa thương mại ở thời điểm này rất quan trọng.
“Lợi ích của thuận lợi hóa thương mại đó là bổ trợ và nâng cao sự minh bạch cho các thủ tục liên quan đến DN; góp phần tăng niềm tin cho nhà đầu tư. Nó cũng góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho DN”. Theo ông Hải, hiện Chính phủ đã cắt giảm nhiều thuế quan cũng như các thủ tục hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin như cơ chế một cửa quốc gia. Thêm một cơ chế khác đó là sự phân quyền tự chứng nhận xuất xứ. Đây là sự cải cách rất lớn tạo nhiều thuận lợi cho cộng đồng DN Việt, đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ để có thể cắt giảm chi phí đầu vào, nâng sức cạnh tranh...
Các diễn giả tại Diễn đàn cũng nhấn mạnh đến cơ hội nâng cao năng suất lao động của Việt Nam khi hội nhập AEC. Theo các diễn giả, năng suất lao động của Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong thời gian từ nay đến năm 2025. Hơn nữa thông qua việc mở rộng thị trường trong nhiều lĩnh vực, AEC sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho các lao động Việt Nam.
Nói như ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng Vụ ASEAN, các lao động trong nước có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN bởi, đến nay , ASEAN đã ký Hiệp định về di chuyển nhân thể và 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 8 ngành nghề: kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sỹ, điều dưỡng, vận chuyển và du lịch…