Tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ, tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức, nhấn mạnh cần tích cực chia sẻ thông tin, đấu tranh ngăn chặn nạn cướp biển nhằm bảo đảm an ninh cho người và tài sản, tàu thuyền các nước qua lại ở khu vực.
Sau Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có buổi gặp gỡ báo chí, thông tin nhanh về kết quả Hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng.
Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung đáng chú ý của Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa diễn ra ngày 21/2/2017 tại Boracay, Philippines?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của ASEAN do Philippines chủ trì trong năm 2017. Hội nghị này có nhiệm vụ định hướng quan trọng cho các hoạt động liên kết và hợp tác của ASEAN cho cả năm 2017, năm thứ hai của Cộng đồng ASEAN và cũng là năm đánh dấu tròn 50 năm ASEAN hình thành và phát triển.
Với những mục tiêu trên đây, các Bộ trưởng đã thông qua chủ đề của năm nay là "Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu" và nhất trí cao về những ưu tiên của Cộng đồng trong năm 2017 do Philippines đề xuất. Điểm đáng chú ý là ASEAN tiếp tục nỗ lực xây dựng một Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, tăng cường an ninh và hợp tác hàng hải, và đưa ASEAN thành hình mẫu của tổ chức khu vực.
Bên cạnh đó, Hội nghị đã trao đổi, nhấn mạnh một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, về đoàn kết ASEAN, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì, phát huy hơn nữa các giá trị và nguyên tắc nền tảng của ASEAN, nhất là đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN, coi đây là những yếu tố quyết định bảo đảm thành công của Cộng đồng.
Thứ hai, về xây dựng Cộng đồng, các Bộ trưởng nhất trí phải thúc đẩy triển khai một cách cụ thể và rốt ráo các kế hoạch công tác chuyên ngành ở cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá - xã hội nhằm đem lại những kết quả thiết thực, rõ ràng cho người dân khu vực.
Một vấn đề khác cũng được các Bộ trưởng tập trung thảo luận là việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN, nhất là các cơ chế điều phối, theo dõi thực thi. Hội nghị cũng bàn về việc cập nhật Hiến chương ASEAN, nhấn mạnh văn kiện pháp lý quan trọng này sau khi cập nhật cần phản ánh và đáp ứng nhu cầu tăng cường liên kết và hợp tác của Cộng đồng ASEAN.
Thứ ba, Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Đây là dịp ASEAN nhìn lại cả tiến trình phát triển, củng cố niềm tin và động lực cho chặng đường tiếp theo, đồng thời cũng là dịp để ASEAN tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị của ASEAN tới đông đảo người dân, giúp Cộng đồng gần gũi và gắn bó hơn với người dân trong khu vực.
Thứ tư, về quan hệ đối thoại, các Bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các đối tác thông qua nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó tranh thủ thêm sự ủng hộ của các bên đối tác trong xây dựng cộng đồng, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực.
Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các nước chia sẻ về nhiều vấn đề cùng quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên như thiên tai, buôn bán người, ma tuý và nạn cướp biển.
Vấn đề Biển Đông được thảo luận nhiều, theo đó, Hội nghị nhất trí hòa bình, ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của khu vực, cần duy trì lập trường chung và các nguyên tắc đã đạt được, trong đó có kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu đạt khung COC vào giữa năm 2017.
Xin Thứ trưởng cho biết về sự tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị?
- Đoàn ta, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, đã tích cực tham gia và chủ động đóng góp nhiều đề xuất cụ thể, thực chất trong các nội dung thảo luận.
Trong phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần kiên định các nguyên tắc chung, củng cố đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, khẳng định giá trị và sức sống trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, khó đoán định.
Thảo luận về xây dựng Cộng đồng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN đã bước vào năm thứ 2 của Cộng đồng, cần thúc đẩy liên kết thực chất hơn, ưu tiên các lĩnh vực mang lại tác động và lợi ích rõ ràng cho người dân như thu hẹp khoảng cách phát triển, an sinh xã hội, kết nối hạ tầng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Bàn về quan hệ đối ngoại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhất trí cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các kế hoạch hành động hiện có giữa ASEAN với các đối tác, đề nghị ASEAN cần chủ động hơn, thể hiện vai trò dẫn dắt tại các cơ chế do ASEAN khởi xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, EAS...; theo đó, đề xuất tái sắp xếp các cơ chế này để nâng cao hiệu quả, tính bổ trợ và gắn kết giữa các cơ chế.
Về tình hình khu vực và quốc tế, trong bối cảnh gia tăng các thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực, đặc biệt là thách thức từ nạn cướp biển đang nổi lên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã đề nghị các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ, tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức, nhấn mạnh cần tích cực chia sẻ thông tin, đấu tranh ngăn chặn nạn cướp biển nhằm bảo đảm an ninh cho người và tài sản, tàu thuyền các nước qua lại ở khu vực.
Đề cập vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp trên thực địa, khẳng định các nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tăng cường tham vấn, đối thoại về vấn đề Biển Đông, xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, phấn đấu đạt được khung COC vào giữa năm 2017 nhằm sớm hoàn tất COC.