Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chú ý tới bộ phim và đề nghị phía Trung Quốc thực hiện nghiêm nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Chiều nay (7/10), tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin về bộ phim "Quân đội Vương Bài" sắp công chiếu của Trung Quốc có nội dung xuyên tạc lịch sử chiến tranh biên giới năm 1979, được đưa ra.
Trả lời về vấn đề liên quan, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chú ý tới bộ phim này.
"Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề thuộc về lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai; nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn và khách quan, có các việc làm thiết thực để tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới" - bà Hằng nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh quan điểm đề nghị phía Trung Quốc thực hiện nghiêm nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường tuyên truyền, hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội, thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước.
Trước đó, mạng xã hội Baidu của Trung Quốc công chiếu trailer phim "Quân đội Vương Bài". Theo thông tin giới thiệu từ Baidu, bộ phim có mốc thời gian 1983, các nhân vật tham gia chiến đấu và rà phá bom mìn tại Quảng Tây - một tỉnh giáp biên giới với Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam.
Các diễn viên Trung Quốc mặc trang phục trùng khớp với quân phục giai đoạn nước này tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979. Đối chiếu với lịch sử, nhiều người cho rằng bộ phim có những chi tiết có liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam.
* Cũng tại cuộc họp báo, việc nhóm tàu của Anh và New Zealand đang hoạt động trên Biển Đông, chuẩn bị cho cuộc tập trận chung ở gần Singapore cũng được đề cập tới.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động hợp tác trên biển của các quốc gia cần tuân thủ các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đóng góp có trách nhiệm, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia trên tinh thần thượng tôn pháp luật; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và hợp tác trên Biển Đông.