Nhìn lại năm 2021, giới chuyên gia nhận định, thị trường tài chính đã xảy ra nhiều biến động, chưa bao giờ, đồng tiền ảo Bitcoin lại tăng giá cao đến 60.000 USD/Bitcoin. Song đáng chú ý đồng Việt Nam (VND) vẫn là một trong số ít loại tiền tệ đã tăng giá so với USD, điều đó chứng tỏ niềm tin vào đồng VND ngày càng được khẳng định.
VND vượt qua nhiều yếu tố bất lợi
Trong năm 2021, VND đã vượt qua nhiều yếu tố bất lợi như, những lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19 kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thương mại thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tính tại thời điểm ngày 24 /12 /2021, giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 22.785 - 23.095 VND/USD (mua vào - bán ra). Tỷ giá trung tâm giữa VND và USD ngày 24/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.193 VND/USD, không đổi so với phiên ngày 23/12.
Trong khi xu hướng rút vốn khỏi các nước mới nổi và đang phát triển khiến đồng tiền của nhiều nước trong khu vực mất giá khá lớn so với USD (USD tăng 4,65%, Baht Thái giảm 11,2%, Ringgit Malaysia giảm 2,68%, Đô-la Singapore giảm 1,95%) thì tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định, tỷ giá trung tâm tăng rất ít so cuối năm trước ( thời điểm ngày 31/12/2020 NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 23.131 đồng). Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Dù vậy, để khẳng định sức mạnh tiền của VND trong bão dịch Covid -19, cũng nên nhìn nhận thêm về bối cảnh của tiền VND. Đó là vào thời điểm cuối năm 2020, khi Mỹ dán “nhãn” thao túng tiền tệ, điều này được nhìn nhận sẽ khiến Việt Nam gặp ít nhiều khó khăn trong điều hành chính sách tỷ giá năm 2021. Thông tin này đương nhiên ảnh hưởng đáng kể tới mức độ linh hoạt trong sử dụng công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Song vượt lên tất cả, đồng VND vẫn ổn định và tăng giá, từ đó còn kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài, giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam...
Tiền đồng tăng giá dĩ nhiên sẽ làm xuất khẩu bất lợi, nhưng nhập khẩu sẽ được hưởng lợi. Song vì cơ cấu đa số hàng xuất khẩu hiện nay đều có một tỷ trọng lớn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, sự bất lợi hay có lợi từ việc tăng, giảm tỷ giá - nếu có là không rõ ràng, rất khó phân định.
Ngay từ đầu năm 2021, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng đã đánh giá, năm 2021, NHNN phải điều hành tỷ giá thận trọng hơn, tỷ giá trung tâm phải sát với tỷ giá thị trường tự do hơn. Ông Hiếu cũng đã dự đoán, tỷ giá năm 2021 sẽ không biến động nhiều.
Và đến nay, kết quả chỉ ra rằng tỷ giá đi ngang và biến động trong biên độ hẹp. Có được điều này là do nguồn cung USD tiếp tục ổn định nhờ dòng tiền kiều hối và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đủ bù đắp cho các tháng thâm hụt cán cân thương mại.
Giới chuyên gia trong ngành nhìn nhận, về cơ bản, VND vẫn cho thấy sức mạnh thông qua việc nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam vẫn duy trì tích cực. Hiện tại, cán cân thương mại thặng dư (11 tháng được điều chỉnh tăng, ước tính xuất siêu 1,46 tỷ USD) bên cạnh dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối khả quan. Ngoài ra, dòng vốn gián tiếp thông qua các thương vụ M&A cũng duy trì tốt, như SK Group Hàn Quốc mua lại cổ phần của The CrownX (TCX - công ty con của Masan) trị giá 350 triệu USD hay việc NH Mizuho Nhật Bản chi 170 triệu USD mua lại một phần cổ phần của MoMo.
Người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng
Bối cảnh kinh tế, địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách tỷ giá. Song sự điều hành khéo léo của cơ quan quản lý tiền tệ những năm qua phần nào đem lại sự yên tâm cho người dân và nhà đầu tư.
Không chỉ năm 2021, mà suốt hai năm vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu luôn căng thẳng với sự xuất hiện của biến chủng Delta nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, nhiều quốc gia với tiềm lực kinh tế mạnh, có độ bao phủ vaccine rộng khắp cũng lao đao khi phải ứng phó với biến chủng này. Lạm phát toàn cầu ở mức cao (3,3%) trong năm 2021, giá vàng thế giới nhiều phen tăng vọt trong khi thị trường chứng khoán nhiều quốc gia liên tục sụt giảm… Nhưng sự biến động của giá vàng không còn khiến tỷ giá chao đảo như 10 năm trước. Dù giá vàng trong nước đang được giao dịch với mức khá cao 60 triệu đồng/ lượng nhưng vàng không còn được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm. Có thể thấy, chính sách điều hành tiền tệ uyển chuyển và linh hoạt trong ngắn hạn, kiên định trong dài hạn đã giúp thị trường ngoại hối trong nước nói riêng, nền kinh tế vĩ mô nói chung giữ ổn định, là điểm sáng của nền kinh tế.
Bên cạnh kinh nghiệm điều hành, một yếu tố nữa khiến thị trường ngoại hối trong nước có khả năng đứng vững là Việt Nam hiện có một “tấm nệm” rất an toàn khi có trong tay khoảng 105 tỷ USD dự trữ ngoại hối - một con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên trong nửa đầu năm. Cụ thể, Việt Nam tích lũy được 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021 do cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều thặng dư.
Cũng với mức dự trữ ngoại hối này, Việt Nam chứng tỏ được với nhà đầu tư về khả năng giữ ổn định thị trường không chỉ bằng chính sách kiên định, mà chính bằng nguồn lực thực sự. Vì vậy, bất chấp thế giới biến động, vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam, người dân và doanh nghiệp vẫn tin tưởng gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Theo số liệu tổng hợp mới Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính chung 9 tháng đầu của năm 2021 tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 530.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 5,3%. Lũy kế đến cuối tháng 9, số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt mức 5,29 triệu tỷ đồng.
Chị Phan Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Các kênh như chứng khoán, vàng vẫn đang có những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do đó, với tôi, gửi tiết kiệm vẫn là kênh cảm thấy yên tâm nhất”.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, trong thời điểm hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn là một trong những kênh phát huy hiệu quả đối với những người ưa an toàn. Bởi các kênh tài chính như chứng khoán, vàng, USD đều đang biến động rất mạnh và bất thường, bất động sản thì đang có thanh khoản kém…
“Tình hình kinh tế bị tác động nhiều từ dịch Covid đòi hỏi các nhà đầu tư phải có tinh thần “thép” cũng như óc phán đoán nhạy bén để đưa ra những lựa chọn hợp lý. Lời khuyên hữu ích nhất hiện nay là các nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, bởi các kênh tài chính đang thay phiên nhau dẫn dắt thị trường. Nên phải tùy thuộc vào tình hình, khả năng tài chính để lên kế hoạch bài bản, rõ ràng, cũng như có các phương án chủ động, dự phòng khi thị trường phục hồi. Kênh gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn” - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.