Hàng loạt vụ giết người trong những tuần gần đây đã khắc sâu thêm những mối nguy hiểm người vô gia cư sống trên đường phố New York, Mỹ đang phải đối mặt cùng với đại dịch.
Bóng ma ‘kẻ giết người hàng loạt’
Đại dịch Covid-19 đã đẩy rất nhiều người vô gia cư ở Mỹ vào ‘bước đường cùng’.
Cuộc sống của những người ‘cố gắng tồn tại’ trên đường phố vốn đã rất khó khăn, nay mọi thứ đột ngột gián đoạn khi thành phố bỗng trở nên trống rỗng giữa đại dịch. Những góc trú ẩn tạm bợ và ‘kho thực phẩm’ đã không còn hoạt động theo cách có thể đoán trước được nữa. Các cửa hàng và tàu điện ngầm cũng đóng cửa suốt 24 giờ, và những người vô gia cư lại vô tình trở thành nghi phạm chính cho làn sóng trộm cướp và bạo lực.
Cho đến cuối tuần trước, vấn đề lại trở nên ảm đạm hơn khi bóng ma đáng sợ của ‘kẻ giết người hàng loạt’ trở lại. Trước đó hắn đã từng trong hai tuần bắn chết năm người đàn ông vô gia cư đang ngủ trên đường phố Washington DC và New York. Hắn đã giết thêm một người ở mỗi thành phố trong tuần qua.
Chính quyền của cả hai thành phố đã tuyên bố trao thưởng nếu bất cứ ai có thông tin về đối tượng tình nghi, đồng thời cảnh báo cư dân về sự xuất hiện của một ‘kẻ giết người hàng loạt’ mới xuất hiện trở lại trên đường phố.
Cảnh báo sau đó đã được rút lại vào ngày 15/3 khi các đặc vụ liên bang bắt giữ được nghi phạm Gerald Brevard, 30 tuổi, ở phía đông nam bang Washington. Không có động cơ nào được đưa ra hắn vẫn chưa bị buộc tội.
Những hình ảnh của vấn nạn bạo lực cực đoan được ghi lại trong nhiều video giám sát đã khắc sâu nỗi sợ của hàng chục nghìn người vô gia cư trên đường phố New York không bao giờ ngủ, những người mà một chỗ nghỉ ngơi tử tế đối với họ là quá đỗi xa xỉ.
Cô Sophie, một phụ nữ 25 tuổi sống lang thang trên các con phố xung quanh Công viên Quảng trường Washington ở khu Manhattan, thở dài: “Phải mất đến hàng giờ và hàng tấn căng thẳng chỉ để kiếm được 5 USD. Tuy nhiên vì đại dịch, không có một cửa hàng nào mở, không có bất cứ ai trên đường phố, cũng không có gì trong thùng rác và thậm chí tôi không thể lấy nước sau giờ giới nghiêm là 8 giờ. Tất cả điều này thật đáng sợ và điên rồ”.
Nhưng ít nhất thời điểm đó cuộc sống vẫn an toàn hơn hiện tại. Trong 18 tháng kể từ khi New York trở lại với nhịp sống bình thường, thành phố này đã phải hứng chịu mức độ gia tăng tội phạm chưa từng thấy kể từ những năm 1990, bao gồm cả tội phạm giết người và hành hung, khiến việc kiểm soát an ninh trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng.
Sự hỗn loạn bao trùm
Tại New York, Thị trưởng Eric Adams đã khôi phục “đơn vị chống súng” mặc thường phục nhằm vào các đối tượng sử dụng loại súng bất hợp pháp và hoạt động của nhiều băng đảng.
Cảnh sát cũng tăng cường hiện diện trên tàu điện ngầm và xe lửa, ‘ngôi nhà’ chủ yếu của người vô gia cư, sau khi một nhân viên chăm sóc sức khỏe người châu Á, bà Michelle Go, bị một người đàn ông được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt đẩy xuống gầm tàu và phải nhập viện hơn 20 lần.
Đã có thêm nhiều vụ việc khác xảy ra sau đó, với 8 người dân vào khoảng cuối tháng 2 đã bị hành hung, bị đâm, bị chém, bị cướp, bị đánh bằng ống hoặc bị đe dọa bằng búa đập. Mọi thứ ngày càng làm mờ đi ranh giới giữa nạn nhân và kẻ giết người.
Ông Charles King, Giám đốc điều hành của Housing Works, một tổ chức từ thiện về nhà ở tại New York ban đầu được thành lập để giúp đỡ những người nhiễm HIV, lo ngại: “Chính những vụ án như vậy đã vô tình tạo ra nhận thức rằng người vô gia cư là bạo lực và nguy hiểm, và điều đó đã trở thành tâm điểm”.
Cựu Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã đóng cửa hệ thống tàu điện ngầm vào ban đêm do ảnh hưởng từ đại dịch, càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đối với những người New York bị mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng.
“Chính quyền nói rằng họ đang ‘làm sạch’ tàu điện ngầm, nhưng đồng thời cũng buộc người dân rời khỏi tàu. Nhưng họ không thể đẩy người dân đi nếu như không có một nơi sẵn sàng cho người vô gia cư ở lại”, ông King nói.
Đối với những người ủng hộ, họ cho rằng các chính sách trị an thường không tính đến nhu cầu của những người vô gia cư. Thị trưởng thành phố New York trước đó, ông Bill de Blasio, đã từng chỉ định một số khách sạn trong các khu dân cư giàu có của người da trắng làm nơi trú ẩn cho người vô gia cư, gây ra làn sóng phản ứng dữ dội từ các chủ sở hữu bất động sản.
“Đương nhiên sẽ xảy ra sự phản đối kịch liệt, và thị trưởng đã phản ứng bằng cách đưa người vô gia cư trở lại những địa điểm trú ẩn tập trung, gây ra mối lo ngại lớn trước tình hình đại dịch”, ông King nhấn mạnh. “Không có gì ngạc nhiên khi thấy những người vô gia cư trong các trại trú ẩn mắc Covid-19 và chết với tỷ lệ cao hơn nhiều so với dân số còn lại của Mỹ”.
Cùng với đó, các giường dành cho bệnh nhân tâm thần được chuyển thành giường cho bệnh nhân Covid-19, các trại cai nghiện và tâm thần được sáp nhập, giảm nguồn lực do nhu cầu tăng lên. Cảnh sát thậm chí không còn bắt giữ những đối tượng nổ súng nơi công cộng. Anh Ice, một tay nghiện trên đại lộ số 8 ở khu Midtown, nói rằng: “Cảnh sát không muốn những trung tâm trú ẩn lấp đầy người nếu tòa án lại từ chối bắt giữ”.
Cái giá phải trả cho tình trạng hỗn loạn là điều hiển nhiên. Cô Ashley, bạn gái của Ice cho biết, 15 người bạn của họ đã chết vì dùng thuốc giảm đau fentanyl quá liều trong suốt thời điểm đại dịch. Một phụ nữ thậm chí đã tiêm 8 mũi vaccine để đổi lấy khoản khuyến khích tiêm vaccine trị giá 100 USD của thành phố.
Không có một nơi an toàn
Anh Shrugs, trước đây là một nghệ sĩ đường phố vô gia cư cho biết, vô gia cư luôn nằm trong con đường buộc một số người lựa chọn, mặc dù đây chắc chắn là một trong những lựa chọn tồi tệ nhất. “Chỉ vì mọi người có một nơi nào đó để sống không có nghĩa đó là một ngôi nhà”, anh nói. “Một số người chỉ thích lang thang”.
Shrugs bắt đầu sống trên đường phố sau một cuộc hôn nhân thất bại và bán các tác phẩm nghệ thuật của mình trên Quảng trường Union, sau đó cũng nhanh chóng sụp đổ khi thành phố trở nên trống rỗng. “Đại dịch đã làm gia tăng sự tuyệt vọng”, anh thở dài.
Thời gian sau, Shrugs chuyển sang tái chế lon nhôm, lập nên một bãi phế liệu trên Công viên Forsythe ở thành phố Lower East Side. Có thời điểm, trước khi cảnh sát đóng cửa ‘doanh nghiệp’ của Shrugs, anh đã kiếm được 30.000 lon mỗi ngày.
“Nếu có một cái cái gậy tốt, bạn hoàn toàn có thể kiếm một khoản khá trên đường phố”, anh cười.
Theo Liên minh Người vô gia cư của New York, tình trạng vô gia cư ở thành phố này đã đạt mức cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Nhưng số liệu chính thức thu thập được từ hệ thống tạm trú của thành phố - với hơn 48.413 người vô gia cư, bao gồm 15.057 trẻ em vào tháng 1/2022 - chỉ là một gợi ý nhỏ về con số thực tế.
Các địa điểm trú ẩn cho người vô gia cư nổi tiếng là không an toàn và theo Shrugs, thường bị các băng đảng xâm nhập. Sống trên những con phố ở Manhattan được nhiều người coi là an toàn hơn so với những khu vực bên ngoài đang gặp khó khăn tương tự.
Nhưng luôn có những mối nguy hiểm mới rình rập. Thành phố New York thường vấn đề về sự xâm nhập của loài gặm nhấm, khiến việc ngủ trong công viên không còn là một lựa chọn lý tưởng.
Tuy nhiên, khi chính quyền New York thúc đẩy người lao động trên khắp thành phố quay trở lại văn phòng làm việc, vấn nạn vô gia cư thậm chí còn nan giải hơn. Thị trưởng Adams đã yêu cầu tất cả người dân xuống tàu ở các điểm đến đã chọn, đồng thời lệnh cho cảnh sát thực thi các quy tắc cấm nằm dài trên tàu điện ngầm hoặc ngủ trên sân ga.
“Những ngày tháng sống vô tổ chức đã qua. Vuốt thẻ MetroCard và xuống tàu tại điểm đến”, ông Adams nhấn mạnh. “Hệ thống tàu điện ngầm không được tạo ra để trở thành nhà ở, nó được tạo ra để trở thành một phương tiện giao thông”.
Nhưng điều này không giúp ích chút nào cho vấn đề gốc rễ.
Ông Charles King cho biết: “Một phần của vấn đề chính là việc tạo ra nhận thức rằng những người vô gia cư là mối đe dọa, thay vì những người cần sự nhân từ và chăm sóc của cộng đồng”.