Đoàn lãnh đạo Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã xuống thăm và ghi nhận những nỗ lực của các bác sĩ, điều dưỡng BV Phụ sản Hà Nội, đặc biệt là kíp trực đã tham gia cấp cứu bệnh nhân N.T.H. ngày 4/7 vừa qua.
* Khả năng lây nhiễm HIV đối với kíp trực cấp cứu là rất thấp
Điều trị thuốc kháng HIV.
Báo cáo với đoàn, TS.BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội tóm tắt sự việc xảy ra hôm đó và cho biết: “Bệnh nhân N.T.H. đã được cứu sống, ra viện. Ngay sau khi biết bệnh nhân có HIV, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Sở Y tế và thực hiện tất cả những gì phải là để phòng bệnh cho các thầy thuốc”.
Ông cho biết, người bệnh N.T.H. đang được uống thuốc ARV nên khả năng lây nhiễm HIV đối với các thầy thuốc không cao. Ông cũng cho rằng thực ra các y, bác sĩ không một ai không biết cách phòng lây nhiễm HIV. "Hàng ngày chúng tôi vẫn thực hiện nhiều ca phẫu thuật theo đúng quy định. Nhưng nếu hôm đó, chúng tôi thực hiện đúng các quy định này từ việc mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, đội mũ... thì chưa chắc người bệnh này còn có cơ hội được cứu sống nữa".
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ với các cán bộ, nhân viên BV Phụ sản Hà Nội, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh ghi nhận quả là trong tình huống như vậy bất khả kháng, các thầy thuốc ở đây không còn có thể làm gì tốt hơn thế. Ông ghi nhận sự nỗ lực này của họ và hy vọng sự an lành sẽ đến với tất cả 19 người (kể cả một học viên) ở đây.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cũng khẳng định: Các thầy thuốc ở đây không còn có thể làm gì hơn để bảo vệ bản thân mình trong hoàn cảnh này. Ông hết sức vui mừng trước nỗ lực này của các cán bộ, nhân viên ở đây. Cùng ngày, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã ký và trao tặng giấy khen cho 19 thành viên tham gia kíp mổ cho bệnh nhân N.T.H. ngày 4/7.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tặng Giấy khen cho các bác sĩ, điều dưỡng tham gia kíp trực cấp cứu bệnh nhân N.T.H.
Bên lề cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Bộ Y tế với các cán bộ, nhân viên BV Phụ sản Hà Nội, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Tôi hết sức khâm phục hành động chữa bệnh cứu người không quản khó khăn, nguy hiểm của tập thể các bác sĩ, điều dưỡng ở đây. Họ giống như những người lính cứu hoả sẵn sàng lao vào lửa cứu người mà không màng đến việc bảo vệ tính mạng cho mình. Phơi nhiễm nghề nghiệp đối với HIV/AIDS là hiện tượng xảy ra khá nhiều ở Việt Nam. Mỗi năm, nước ta có vài nghìn trường hợp phơi nhiễm HIV, nhưng phơi nhiễm tập thể như vậy thì đây là lần đầu tiên. Tuy vậy, bệnh nhiễm HIV khó lây qua các tiếp xúc thông thường.
Các nghiêm cứu của Mỹ cho thấy tần suất lây nhiễm khi kim tiêm có nhiễm virus HIV đâm vào tay chỉ vào khoảng 0,3%. Hoặc trường hợp máu hoặc dịch của người nhiễm HIV bắn vào niêm mạc của mắt, mũi người khác thì khả năng lây nhiễm là 0,1%. Trong trường hợp này chỉ có máu của người bệnh tiếp xúc với các thầy thuốc thì khả năng lây nhiễm là rất thấp.
Qua sự việc này chúng tôi ghi nhận BV Phụ sản Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã hết sức khẩn trương kịp thời xử lý phòng chống lây nhiễm HIV cho các bác sĩ, điều dưỡng theo đúng quy định. Việc điều trị phơi nhiễm theo hướng dẫn là trong 72h, tốt nhất là 2-6h đầu. Tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các y bác sĩ được uống thuốc dự phòng ngay sau 4h là rất tốt. Trường hợp này diễn ra chỉ trong 4h nên nồng độ virus trong máu rất thấp. Hy vọng không xảy ra lây nhiễm. Từ sự việc này BV Phụ sản Hà Nội cần rà soát lại quy trình hoạt động cũng như các thiết bị, dụng cụ cần thiết để đảm bảo an toàn nhất cho cán bộ y tế trong qúa trình thực hiện nhiệm vụ.