Ngày 17/10, phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về xây dựng tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 tiếp tục với phần xét hỏi.
Trong số 22 bị cáo, 11 người là cựu cán bộ, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), còn lại 7 người là cựu giám đốc liên danh nhà thầu thi công các gói thầu và 4 kỹ sư vật liệu.
Là người đầu tiên trả lời chất vấn, bị cáo Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc VEC) khai: VEC là doanh nghiệp được Bộ Giao thông vận tải thành lập với nhiệm vụ đầu tư, quản lý, khai thác các đường cao tốc tại Việt Nam. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải vừa là chủ sở hữu, vừa là cơ quan quản lý Nhà nước của VEC.
Khi được hỏi lý do ký văn bản nghiệm thu gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi bị cáo và Hội đồng nghiệm thu cơ sở chưa họp để đánh giá, bị cáo Tám khai: Khi đó Bộ Giao thông vận tải yêu cầu VEC khẩn trương báo cáo. Chủ tọa phiên tòa truy vấn: “Dựa vào đâu mà bị cáo làm sai quy định như thế?”, bị cáo Trần Văn Tám trả lời, dựa vào các báo cáo, đệ trình của tư vấn giám sát.
Hội đồng xét xử tiếp tục truy hỏi: “Chỉ dựa vào đấy đã kết luận là thế nào?”, bị cáo Tám nói chỉ đánh giá khối lượng hoàn thành cơ bản theo thiết kế, chứ không đánh giá chất lượng. Trước câu trả lời này, Chủ tọa phiên tòa công bố lại nguyên văn báo cáo của bị cáo Tám ký, gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, trong đó nêu công trình đã hoàn thành và đảm bảo chất lượng, chứ không chỉ khối lượng công việc. Bị cáo Tám nói: Do nộp văn bản quá lâu nên không nhớ nội dung.
Theo quy định, công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải được nghiệm thu từng phần, đạt chất lượng mới được thi công phần tiếp theo. Nhưng trên thực tế các cựu lãnh đạo VEC đã bất chấp quy định, làm ồ ạt rồi báo cáo trong khi không quan tâm chất lượng có đảm bảo hay không. Tại phiên tòa, bị cáo Tám phân trần: “Không thể làm được như thế”.
Lý do được bị cáo Tám đưa ra là, dự án ở giai đoạn 2 công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên giải phóng mặt bằng đến đâu, thi công ngay đến đó, không phụ thuộc những chỗ chưa có mặt bằng. Vì thế không thể chờ đến cuối để nghiệm thu tổng thể.
Theo cáo buộc, bị cáo Trần Văn Tám ký hồ sơ nghiệm thu và thanh toán hơn 45 tỷ đồng cho 5 gói thầu, trong khi chất lượng công trình không đạt tiêu chuẩn. Do đó, số tiền thiệt hại này, bị cáo Tám phải chịu trách nhiệm.
Khai báo tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Thuật (cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1) khẳng định đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trong quá trình thi công. Song, với đặc thù dự án giao thông có nhiều thiết bị máy móc, nhiều hạng mục, tất nhiên có thể có sai sót. Bị cáo Thuật nhiều lần khẳng định nhà thầu đã thực hiện đầy đủ quy trình, nếu có hỏng hóc thì đó chỉ là “sai sót cục bộ”, không đại diện cho toàn tuyến, cho toàn bộ lớp vật liệu. “Thực tế công trình hiện nay không hư hỏng’’ - bị cáo Thuật nói và cho rằng, quá trình điều tra, nhà thầu đã có đơn gửi cơ quan điều tra cam kết nếu có sai sót, nhà thầu sẵn sàng khắc phục, thực hiện bảo hành đúng như hợp đồng.
Về tội danh bị truy tố, bị cáo Nguyễn Văn Thuật cho rằng: Bị cáo không rành về pháp luật nhưng thấy đây là tội danh liên quan công tác đầu tư, còn bị cáo chỉ là nhà thầu, đã thực hiện đầy đủ các quy trình thi công và chấp hành quy định khác.
Tương tự lời khai của bị cáo Thuật, bị cáo Nguyễn Thiên Nam (cựu Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A1) cũng khai rằng, bản thân đã tuân thủ đúng quy trình. “Tuy nhiên bây giờ dựa trên kết quả giám định xác định là chất lượng không đạt thì cũng rất khó nói, vì công trình đã đưa vào khai thác 2 năm rồi, kết quả vẫn đang sử dụng’’ - bị cáo Nam nói tại tòa. Bị cáo cho rằng, tội danh bị truy tố “quá nặng”, vì có sai sót ở đâu đó thì cũng chỉ là “sai sót cục bộ”, toàn bộ công trình rất dài không tránh được hư hỏng cục bộ.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Hữu Sơn (cựu Giám đốc chất lượng gói thầu A2) khai chỉ làm giám đốc chất lượng trong vòng 1 tháng, sau đó một người Trung Quốc thay. Gói thầu A2 có nhà thầu là Công ty Sơn Đông (Trung Quốc), giám đốc dự án cũng là người Trung Quốc. Bị cáo Sơn khai rằng trong thời gian 1 tháng, bản thân “chỉ ngồi văn phòng, đọc và nghiên cứu hồ sơ” nên có vai trò “rất mờ nhạt”.
Trái với lời khai quanh co của các bị cáo, kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đạt chất lượng thiết kế, nền đường lẫn nhiều đá không được loại bỏ, vật liệu thi công không phù hợp chất lượng, kích cỡ, đá dăm gia cố lớp xi măng bị nứt dọc, nứt ngang; lớp đất đắp không đạt độ chặt, không đạt độ dày... dẫn tới thiệt hại 460 tỷ đồng, là số tiền VEC đã thanh toán cho các hạng mục không đạt chất lượng.