Sáng 2/5, sau 4 ngày tạm nghỉ, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) và đồng phạm xảy ra tại OceanBank tiếp tục với phần tranh luận của các bị cáo và các Luật sư bào chữa.
Bị cáo Hà Văn Thắm (bên phải), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (bên trái), nguyên Tổng giám đốc OceanBank tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bị cáo Hà Văn Thắm tiếp tục xin chuyển đổi tội danh
Theo bản án sơ thẩm đã tuyên của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, bị cáo Hà Văn Thắm bị tuyên phạt 19 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng," 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng," tù chung thân về tội “Tham ô tài sản," 20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản." Tổng hợp hình phạt chung, Hà Văn Thắm bị phạt tù chung thân về cả 4 tội danh.
Bị cáo Hà Văn Thắm được xác định là người ra chủ trương trên toàn hệ thống OceanBank sai quy định về chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gây nên những sai phạm trên toàn hệ thống ngân hàng này. Ngoài ra, bị cáo Hà Văn Thắm còn phải chịu trách nhiệm về số tiền đã sử dụng cá nhân sai nguyên tắc kế toán, tài chính; bị cáo phải chịu trách nhiệm chính về hành vi này.
Đưa quan điểm tranh luận tại phiên tòa, bị cáo Hà Văn Thắm tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử xem xét không kết án về tội "Tham ô tài sản" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản."
Đồng thời, bị cáo Thắm thừa nhận vi phạm quy định về cấm thu thêm phí trong hoạt động tín dụng và cấm chi lãi suất ngoài hợp đồng của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo Thắm cho rằng mình chỉ có hành vi chi lãi suất cho khách hàng là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và không biết, không giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) tham ô, chiếm đoạt tài sản nên xin Hội đồng xét xử chuyển đổi tội danh sang tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
"Việc nhận đúng tội và xin được chuyển đổi tội danh của bị cáo là một tình tiết mới. Mới cả so với đơn kháng cáo," bị cáo Thắm trình bày.
[Vụ Hà Văn Thắm: Các luật sư trình bày quan điểm xin giảm hình phạt]
Ngoài ra, bị cáo Thắm cho rằng mình sở hữu 62,97% cổ phần của OceanBank thì không thể bị quy kết chiếm đoạt số tiền của ngân hàng, vì như vậy giống như "bị cáo tự chiếm đoạt tiền của mình." Còn nếu việc bị cáo chi vượt trần lãi suất cho PVN mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mới có cơ hội chiếm đoạt tiền thì hành vi của bị cáo đã bị quy kết tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng," nên không thể quy kết thêm một tội khác cùng với vai trò giúp sức để bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Nguyên Chủ tịch OceanBank còn cho rằng hành vi của mình cũng giống 2 thuộc cấp là nguyên Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Xuân Thắng. Hai bị cáo này cũng đưa tiền cho bị cáo Sơn nhưng chỉ bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Luật sư Đỗ Ngọc Quang bào chữa cho Hà Văn Thắm cho rằng nếu kết tội bị cáo Thắm đồng phạm giúp sức cho bị cáo Sơn chiếm đoạt tài sản cần thỏa mãn dấu hiệu về đồng phạm, phải xác định 2 bị cáo cùng ý chí, cùng chung hành động thực hiện tội phạm. Khi chuyển tiền, bị cáo Thắm không nhận thức được việc chuyển tiền thông qua bị cáo Sơn là giúp cho bị cáo Sơn chiếm đoạt. Bị cáo Thắm chỉ nghĩ chi tiền cho khách hàng để PVN tiếp tục gửi tiền. Việc bị cáo Sơn chiếm đoạt vượt quá ý thức chủ quan của bị cáo Thắm.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Sơn cũng không thừa nhận tội "Tham ô tài sản." Liên quan đến việc nhận tiền của OceanBank, bị cáo Sơn khai rõ khi nhận tiền chăm sóc khách hàng đã chuyển đúng địa chỉ, bị cáo Sơn không thừa nhận chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản. Giữa bị cáo Thắm và Sơn không có thỏa thuận liên quan đến việc bị cáo Sơn chiếm đoạt số tiền này. Từ đó, luật sư cho rằng cần xác định bị cáo Thắm là người bị hại nếu bị cáo Sơn có hành vi chiếm đoạt tiền.
Bị cáo Thắm trình bày 6 tình tiết giảm nhẹ
Tại phiên tòa, bị cáo Thắm đã trình bày 6 tình tiết giảm nhẹ. Theo bị cáo, đây đều là các tình tiết bị cáo chưa trình bày tại phiên sơ thẩm hoặc chưa được tòa sơ thẩm xem xét, nên đều là tình tiết mới tại phiên phúc thẩm.
Cụ thể theo lời bị cáo Thắm trình bày là: Bị cáo xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, có người thân là thương binh, liệt sỹ. Bị cáo đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, có đóng góp nhiều cho xã hội và có nhiều thành tích nhân thân tốt. Trong quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo, hợp tác tốt với các cơ quan công tố, điều này đã được ghi nhận lại tại kết luận điều tra và cáo trạng nhưng chưa được ghi nhận tại Tòa sơ thẩm.
Ngoài ra, hành vi chi lãi suất ngoài hợp đồng cho PVN mà bị cáo đã bị kết án 3 tội danh được thực hiện trong hoàn cảnh bắt buộc và không có sự lựa chọn nào khác nên bị cáo xin Tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo vì phạm tội trong hoàn cảnh đặc biệt như trên và là do khách quan.
Bên cạnh đó, bị cáo Thắm xin được Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát xem xét tình tiết về hành vi chi lãi suất vượt trần, hiện với sự thay đổi của chính sách và pháp luật, hành vi này không còn là vi phạm nữa.
Tình tiết nữa là trong quá trình điều tra, bị cáo đã chủ động kê khai và đề nghị cơ quan điều tra niêm phong toàn bộ tài sản để phục vụ việc khắc phục hậu quả nếu bị cáo bị phán quyết bồi thường dân sự. Bị cáo Thắm xin Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát xem xét đây là tinh thần tự nguyện khắc phục hậu quả của bị cáo để được giảm nhẹ tội.
Với những trình bày trên, bị cáo Thắm đề nghị Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử xem xét tình tiết trong phiên phúc thẩm là việc nhận tội và xin chuyển đổi tội danh cùng 6 tình tiết giảm nhẹ như trên.
Cũng trong phiên sáng 2/5, xét thấy cần làm rõ các nội dung tranh luận trong vụ án liên quan đến nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank Trần Thanh Quang, Chủ tọa đã yêu cầu Tổ thư ký phiên tòa phối hợp với cơ quan công an triệu tập ông Quang đến phiên tiếp theo.