Pháp luật

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị bồi thường hàng trăm nghìn tỷ đồng

LÊ ANH 30/03/2024 07:13

Bị đề nghị mức án cao nhất là tử hình về 3 tội danh, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) còn bị yêu cầu bồi thường hàng trăm nghìn tỷ đồng.

anh-bai-tren.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại tòa sơ thẩm ngày 5/3. Ảnh: Anh Tú.

Trong các phiên xét xử tuần qua, các luật sư bào chữa cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã trình bày nhiều quan điểm tranh tụng trong vụ án. Trong đó, tiếp tục đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 761.802 tỷ đồng, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng truy tìm các tài sản có liên quan tới hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm để đảm bảo quá trình bồi thường thiệt hại của vụ án.

Trong vụ án này, Ngân hàng SCB vừa là bị hại, vừa có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, bảo vệ quyền và lợi ích của SCB, Luật sư Nguyễn Minh Tâm đưa ra đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) làm rõ trách nhiệm của cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm đối với hàng trăm nghìn tỷ đồng thiệt hại của SCB, bao gồm hơn 482.000 tỷ đồng nợ gốc và 277.830 tỷ đồng tiền lãi và lãi phát sinh. Luật sư đại diện SCB cũng đề nghị xem xét chấp thuận giao cho SCB được toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý đối với 1.166 mã tài sản đảm bảo là vật chứng; trong trường hợp cần thiết, SCB có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án xử lý. Riêng số tiền 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí đã chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan và số tiền 5,2 triệu USD mà bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ, luật sư của SCB cũng đề nghị thu hồi cho quá trình bồi thường thiệt hại của vụ án. Bởi vì luật sư cho rằng, nguồn gốc các khoản tiền đều từ SCB và được bị cáo Trương Mỹ Lan rút ra để thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội. Ngoài ra, phía bị hại cũng yêu cầu được nhận lại toàn bộ các tài sản và các quyền tài sản đã được Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thu hồi, kê biên, phong tỏa trong vụ án.

Về tội danh và hình phạt mà đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đã đề nghị đối với bị cáo Trương Mỹ Lan trước đó (tổng cộng hình phạt đề nghị là tử hình), đại diện SCB không có ý kiến về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, đề nghị HĐXX sơ thẩm xem xét chấp thuận giao cho Ngân hàng SCB được quyền quản lý 65 tài sản liên quan (không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào tại SCB) nhưng nguồn gốc các tài sản này lại có liên quan đến dòng tiền giải ngân từ các khoản vay sai phạm tại SCB của nhóm công ty/cá nhân trong hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, do đó phải giao cho SCB khắc phục hậu quả vụ án.

Ngoài Ngân hàng SCB, đại diện người bảo vệ quyền và lợi ích của ngân hàng TMCP Sacombank cũng đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa các bất động sản đang bị ngăn chặn và đang thế chấp tại ngân hàng Sacombank để ngân hàng xử lý các khoản nợ đã quá hạn (nợ nhóm 5). Ngân hàng này cam kết sau khi xử lý xong các khoản nợ, phần còn lại sẽ chuyển cho cơ quan tố tụng để xử lý phần nghĩa vụ các đối tượng liên quan theo quy định.

Về phía đại diện ngân hàng HSBC cũng đề nghị HĐXX xem xét bảo đảm quyền lợi của ngân hàng là bên nhận thế chấp cho vay liên quan đến tòa nhà Capital Palace. Bởi vì, bị cáo Trương Mỹ Lan không có quyền định đoạt đối với tòa nhà này vì tài sản này đã thế chấp cho các ngân hàng.

Quá trình diễn biến tại tòa, đại diện người bảo vệ cho công ty cổ phần FUTA BUS LINE (Công ty Phương Trang) cũng trình bày, phía công ty này đã chuyển nhượng Công ty Thành Hiếu cùng 3 dự án cho bị cáo Lan. Tuy nhiên, trong suốt 3 năm qua, bị cáo không thực hiện dự án cũng như không chuyển nhượng đầy đủ tiền. Phía bị cáo Lan cũng đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng giao kết và hiện bị cáo Lan đã bị bắt nên toàn bộ cổ phần, dự án đều bị phong tỏa ngăn chặn. Do đó, phía Công ty Phương Trang đề nghị hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa 2 bên và phía Công ty Phương Trang sẽ hoàn trả số tiền đã nhận và nhận lại số cổ phần, dự án theo đúng quy định. Trong khi đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty cổ phần Sơn Long Thọ cũng trình bày, công ty này nhận chuyển nhượng 5 dự án từ phía bị cáo Lan, các dự án cũng đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng và hiện 5 dự án do bị phong tỏa nên không thể triển khai. Do đó, phía công ty này kiến nghị cho tháo gỡ phong tỏa để thực hiện tiếp 5 dự án.

Theo thông báo của HĐXX sơ thẩm, phiên tòa đã kết thúc phần trình bày bào chữa của các luật sư và tự bào chữa của hơn 80 bị cáo trong vụ án. Phiên tòa sẽ tạm nghỉ, trước khi được mở lại vào ngày 1/4/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị bồi thường hàng trăm nghìn tỷ đồng