Liên quan đến vụ nhóm đối tượng lập tài khoản mới “Trần Khoa” có dấu hiệu trục lợi, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự. Việc xử lý nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là rất cần thiết để đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, không làm ảnh hưởng đến uy tín của các bác sĩ, ngành y tế và lực lượng chống dịch.
Ngày 7/8, mạng xã hội lan truyền chóng mặt thông tin về một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ đã quyết định rút máy thở từ mẹ mình mắc Covid-19 với diễn tiến nặng để nhường cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã nén nỗi đau mất người thân và trực tiếp phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này. Mạng xã hội cũng xuất hiện hình ảnh hai em bé sơ sinh mà bác sĩ này vừa phẫu thuật. Thông tin lan truyền đã gây xôn xao dư luận.
Tung tin giả nhằm trục lợi, chính quyền vào cuộc
Ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông TP HCM cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM vào trưa 10/8. Theo ông Thọ, ngày 9/8, đơn vị đã làm việc với 2 chủ tài khoản facebook chia sẻ thông tin liên quan đến “bác sĩ Khoa”, quyết định xử phạt cả 2 chủ tài khoản này vì đăng tải thông tin sai sự thật.
Ngoài ra, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM nhận định, có một nhóm được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả trên facebook và các tài khoản này thật sự có tương tác. Nhóm này có tổ chức và tạo thông tin như thật về mỗi thành viên trên facebook. Qua quá trình rà soát cho thấy có dấu hiệu về việc trục lợi. Tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn cần tiếp tục điều tra xem nhóm nào lợi dụng dựng lên tin giả này để xử lý theo quy định pháp luật.
“Sở Thông tin Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý thông tin ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 hoặc tạo sự hoang mang cho người dân”, ông Thọ nói.
Tại buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM cho biết, ngay khi phát hiện về vụ việc “bác sĩ Khoa” trên mạng xã hội facebook, Sở đã lập tức xác minh, xử lý, và có tin bác bỏ ngay trên website Trung tâm Báo chí TP HCM. Sở sẽ xử lý quyết liệt người chia sẻ thông tin giả, không phân biệt bất kỳ ai.
Tới nay, vụ “bác sĩ Khoa” đã được xác định là giả mạo, tung tin giả kích động dư luận nhằm trục lợi.
Cần sớm khởi tố vụ án hình sự
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, vụ “bác sĩ Khoa” đã có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nhóm đối tượng này theo quy định của pháp luật.
“Vấn đề này bản thân tôi và một số chuyên gia pháp lý cũng đã nhận định, đánh giá ngay từ lúc đầu. Tiếp theo là rất nhiều người đã tìm ra các điểm sơ hở trong câu chuyện này như bức ảnh em bé là bức ảnh do bác sĩ Cao Hữu Thịnh đăng lên mạng xã hội từ 21/7. Bệnh viện Từ Dũ không có bác sĩ nào tên Khoa và hình ảnh như vậy, thông tin về việc mua máy để ủng hộ bệnh viện, quyên góp tiền, nhóm 82 khiến cho nhiều người nghi ngờ...
Với đặc thù của mạng xã hội là không gian ảo, việc tiếp xúc giữa những con người với nhau là gián tiếp, những cái tên, những bức ảnh trên Facebook chưa chắc đã phải là thật. Những người hiểu biết thường có lòng trắc ẩn và sẽ xác minh những thông tin trước khi kết luận là sẽ làm một điều gì đó, đặc biệt là liên quan đến tiền bạc.
Điều đáng buồn trong vụ việc này là các thông tin lan tỏa từ lúc đầu lại từ những người có uy tín, có ảnh hưởng trong xã hội khiến sự lan tỏa những thông tin giả này rất nhanh chóng. Sự việc diễn ra vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, rất nhiều bác sĩ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh vất vả, hy sinh cuộc sống cá nhân, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình cần được động viên, giúp đỡ, ủng hộ thì lại có những thông tin giả mạo, gian dối để chiếm đoạt tài sản như thế này khiến cho thật giả lẫn lộn, gây tổn thương đến tình cảm và niềm tin của con người.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì nhóm đối tượng này có nhiều người, sử dụng nhiều tài khoản Facebook, đưa ra nhiều câu chuyện mủi lòng để đánh vào tâm lý, tình thương của mọi người rồi đề nghị quyên góp ủng hộ, chiếm đoạt tài sản. Với sức lan tỏa nhanh chóng của câu chuyện này thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người đã mắc lừa và chuyển tiền cho nhóm đối tượng này”, theo luật sư Đặng Văn Cường.
Hành vi lừa đảo như vậy ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm lòng tin và sự tử tế của con người, làm xói mòn đạo đức xã hội. Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là rất cần thiết để đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, không làm ảnh hưởng đến uy tín của các bác sĩ, ngành y tế và lực lượng chống dịch.
Các đối tượng trong vụ án này sẽ phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: phạm tội có tổ chức; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội; lợi dụng dịch bệnh để phạm tội... nên chế tài đối với nhóm đối tượng này sẽ rất nghiêm khắc, mức hình phạt cao nhất có thể đến tù chung thân theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tiếp tục xử lý nhiều người liên quan
Ngày 14/8, Sở TTTT TP HCM thông tin về Thanh tra Sở này vừa làm việc với một số cá nhân liên quan đến nhóm “bác sĩ Khoa” lan truyền thông tin giả mạo, sai sự thật liên quan đến công tác phòng chống Covid-19 của thành phố.
Sau nhiều ngày điều tra, Thanh Tra Sở TTTT TP HCM bước đầu làm việc với một số người liên quan đến vụ “bác sĩ Khoa”. Đến ngày 13/8, qua khai thác các nguồn thông tin được cung cấp, Thanh tra Sở TTTT TP HCM tiếp tục phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xác minh, mời làm việc đối với một số cá nhân có liên quan trong việc tương tác trao đổi, cung cấp thông tin trên tài khoản “Trần Khoa” có dấu hiệu giả mạo nhằm mục đích vụ lợi. Cụ thể, Sở TTTT TP HCM đã mời làm việc các chủ thể đăng ký sử dụng tài khoản “JK”, “HMAĐ” và “NHT” để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ “bác sĩ Khoa”. Thành Luân.