Vụ cháy chung cư mini Khương Hạ gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khoẻ cũng như tài sản. Vậy các nạn nhân sẽ được bồi thường như thế nào?
Vụ hoả hoạn xảy ra tại tòa nhà chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã làm 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Liên quan đến vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này, ngày 13/9 Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy), về tội Vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự.
Ngày 16/9, các lực lượng chức năng TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn xảy ra tại tòa chung cư mini ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, làm 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Xét về góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, có thể nói đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng sau 20 năm kể từ vụ cháy tòa nhà ITC tại TP HCM khiến 60 người tử vong. Vụ hoả hoạn đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản.
Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, người nào có hành vi xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, tài sản… của người khác thì phải bồi thường theo thiệt hại thực tế của các nạn nhân.
Ở vụ việc cháy chung cư mini Khương Hạ, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản của người dân là vô cùng to lớn. Người gây ra thiệt hại, có lỗi trong vụ việc sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Có thể kể đến các thiệt hại:
Với các nạn nhân bị tử vong: Các khoản bồi thường gồm chi phí cấp cứu, mai táng, tiền cấp dưỡng mà nạn nhân phải thực hiện cấp dưỡng và một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần.
Với các nạn nhân bị thương, sức khoẻ bị ảnh hưởng: Các khoản bồi thường gồm chi phí cấp cứu, hồi phục sức khoẻ, chi phí chăm sóc, thu nhập bị mất/giảm sút… và một khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần.
Với những tài sản đã bị mất gồm đồ đạc trong gia đình, xe cộ… của các nạn nhân: Giá trị tài sản bị huỷ hoại, bị hư hỏng cùng lợi ích gắn với việc sử dụng tài sản đó bị mất hoặc giảm sút…
"Tuy nhiên cần lưu ý, các loại thiệt hại về tài sản, về sức khoẻ… sẽ được bồi thường theo thực tế và theo thoả thuận của các bên. Riêng khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần thì sẽ do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần tối đa cho một người bị tử vong là 180 triệu đồng", luật sư Lực nói.
Cũng theo luật sư Lực, hiện các cơ quan có thẩm quyền đang điều tra, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân cũng như xác định người chịu trách nhiệm, người có lỗi trong vụ cháy này.
Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, bên cạnh việc xử lý theo quy định thì người này còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản của các nạn nhân trong vụ hoả hoạn theo quy định nêu trên.
Trong trường hợp chủ toà nhà chung cư mini mua bảo hiểm cháy nổ cho công trình xây dựng thuộc trường hợp có nguy hiểm về cháy, nổ thì cơ quan bảo hiểm phải xác định mức độ thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Tuy nhiên, những trường hợp không được công ty bảo hiểm chi trả nêu tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 67/2023/NĐ-CP gồm: Thiệt hại về cháy nổ do các thiết bị điện chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch…
Thiệt hại do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ. Thiệt hại cháy nổ xảy ra do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ…
Do đó, sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, xét theo mức độ vi phạm, lỗi vi phạm, mức độ thiệt hại của vụ cháy nổ để xác định mức bồi thường phù hợp.
Ngoài ra, với những nạn nhân tử vong hoặc bị thương trong vụ cháy chung cư mini có tham gia bảo hiểm xã hội thì có thể được cơ quan bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm như sau:
Đối với người bị tử vong, chế độ tử tuất gồm trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất một lần/tuất hàng tháng. Với người bị thương, chế độ ốm đau khi bản thân mình bị thương và khi con dưới 7 tuổi bị thương.
Bên cạnh đó, nạn nhân còn được hưởng bảo hiểm nhân thọ theo từng hợp đồng, chương trình mà những người này tham gia. Quyền lợi được hưởng sẽ do các nạn nhân này thoả thuận với công ty bảo hiểm.