Vụ 'chuyến bay giải cứu': Giọt nước mắt muộn màng

Ngọc Bích 19/07/2023 07:19

Ngày 18/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong đại án “chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần tranh luận. Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bật khóc, xin Hội đồng xét xử xem xét cho hưởng án tù, hứa sẽ cùng gia đình tiếp tục nộp tiền khắc phục hậu quả.

Bị cáo Phạm Trung Kiên bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình.

Bước vào ngày làm việc thứ 6, phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” bắt đầu với phần tự bào chữa của 54 bị cáo, 105 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo. Mở đầu phần trình bày, luật sư Hà Mạnh Huy, 1 trong 3 người bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên cho biết, sau khi biết bị cáo Kiên bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình, ngay sáng 18/7, vợ Kiên đã nộp thêm 8 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Gia đình bị cáo này cũng sẵn sàng, tự nguyện giao căn nhà (đang thế chấp) cho nhà chức trách phát mại, xử lý để có thêm tiền khắc phục hậu quả.

Cơ quan tố tụng xác định, Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, đến thời điểm này đã trả lại cho các doanh nghiệp (DN) đưa tiền hơn 12 tỷ đồng và nộp khắc phục hậu quả 15 tỷ đồng. Trong phần tự bào chữa, bị cáo Kiên đã thừa nhận hành vi phạm tội như bị truy tố, đồng thời tỏ ra rất hối hận. Cũng theo bị cáo, ngay từ khi khởi tố vụ án, đã nhận thức được hành vi của mình nên chủ động khai báo hành vi nhận 15 tỷ đồng dù giai đoạn đó, hồ sơ vụ án chưa ghi nhận khoản này. “Thậm chí bị cáo còn không nhớ người hối lộ mình là ai, song vẫn thành khẩn khai báo” - bị cáo Kiên trình bày trước tòa.

Riêng đối với nhiều lời khai của một số bị cáo là chủ các DN cho rằng, Kiên gây khó dễ, ép buộc đưa tiền, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế phủ nhận. Kiên khai: Đa số các DN đều chuyển tiền cho mình khi đã được cấp phép và đã triển khai thành công chuyến bay, chứ bản thân không hề ép họ phải “lót tay” trước khi cấp phép. “Bị cáo mong được Hội đồng xét xử xem xét lại các căn cứ để cho bị cáo được hưởng mức án phạt tù, để được cải tạo tốt” - Kiên bật khóc trước khi rời bục khai báo, kết thúc phần tự bào chữa.

Bào chữa cho bị cáo Kiên, các luật sư cho rằng, tội danh nhận hối lộ mà Viện Kiểm sát truy tố thân chủ của họ cần được xem xét lại. Luật sư lập luận: Bị cáo Kiên không có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đề xuất, duyệt hồ sơ xin cấp phép chuyến bay, khác với 20 bị cáo còn lại bị truy cứu cùng tội danh đều là những người có chức vụ, quyền hạn rất rõ ràng với công tác cấp phép chuyến bay nên khó có thể vòi vĩnh nhận hối lộ. “Bị cáo Kiên khi đó chỉ là chuyên viên của Vụ Trang thiết bị (Bộ Y tế), được biệt phái làm “giúp việc” cho Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, vì Bộ Y tế khi đó không có chức danh thư ký. Thực tế, bị cáo Kiên tiếng là làm thư ký Thứ trưởng nhưng vẫn ăn lương chuyên viên. Vậy về chức vụ, Kiên không phải là thư ký của Thứ trưởng như cáo trạng ghi” - luật sư nêu.

Tuy nhiên, trong phần biện hộ cho bị cáo Kiên, luật sư vẫn thừa nhận thân chủ “có vi phạm và phải chịu trách nhiệm xứng đáng”. Song, luật sư kiến nghị VKS xem xét chỉ truy tố Kiên về tội lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, thay vì nhận hối lộ. Luật sư lập luận: Để thỏa mãn yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ, Kiên cần phải là người có chức vụ quyền hạn, trực tiếp làm theo yêu cầu của người đưa tiền, trong khi thực tế thì Kiên không có chức vụ, quyền hạn gì với việc DN cần.

“Tại Bộ Y tế, thẩm quyền ký duyệt là Thứ trưởng Tuyên, Kiên không hề, không thể can thiệp gì đến nội dung các văn bản liên quan đến các chuyến bay giải cứu, do đó không thể thỏa mãn các yếu tố của tội nhận hối lộ” - luật sư tranh biện.

Trong khi đó, bào chữa cho Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý Phó Thủ tướng, luật sư Nguyễn Duy Nguyên lập luận: Bị cáo Linh không có quyền gì quyết định trong cả 2 lĩnh vực quy trình xin cấp phép chuyến bay và thẩm quyền xét duyệt chuyến bay. Mọi hồ sơ DN đến tay bị cáo này đều đã được các đơn vị có thẩm quyền phê duyệt. Không có chứng cứ về việc bị cáo Linh tác động đến việc xét duyệt hồ sơ với 28 chuyến bay của 2 DN đưa tiền. Luật sư cho rằng, bị cáo Linh có tiếp xúc, song không phải để đòi hỏi, thỏa thuận nhận hối lộ, mà chỉ để đưa ra các tư vấn về mặt hình thức văn bản, ngôn ngữ trình bày cho phù hợp văn phong trước khi trình lên Văn phòng Chính phủ.

Luật sư cho rằng, việc tư vấn này chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN lập hồ sơ kê khai đúng, tránh bị trả đi trả về mất nhiều thời gian trong lúc dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi trên thế giới, đây là việc làm tốt, không có gì sai phạm. Với lập luận trên, luật sư lý giải: Việc hướng dẫn này nằm ngoài công vụ của bị cáo nên việc cựu trợ lý Phó Thủ tướng được hưởng “tiền cảm ơn” hay “tiền công” của DN trả là “hết sức bình thường”(!).

Luật sư cũng cho rằng, lúc nhận tiền, bị cáo Linh nhận thức đơn giản là do “giúp đỡ tận tâm, nhiệt tình, chu đáo”, DN làm ăn tốt nhớ đến bị cáo nên có “quà cảm ơn”, chứ không nhận thức được đó là vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, Cơ quan công tố xác định, cựu trợ lý Phó Thủ tướng 5 lần nhận hối lộ với tổng số hơn 4,2 tỷ đồng, đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Do vậy bị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đề nghị mức án 6-7 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ 'chuyến bay giải cứu': Giọt nước mắt muộn màng