Vụ học sinh trường Nam Trung Yên (Hà Nội) bị gãy chân: Mong sớm có kết luận

Hàn Minh 19/02/2017 23:10

Liên quan đến vụ học sinh bị gãy chân ở trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy – Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố sớm kết luận, xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm. Đây cũng là mong mỏi của gia đình nạn nhân, các thầy cô giáo trong ngành giáo dục và xã hội để đảm bảo kỷ cương, nền nếp trong các hoạt động giáo dục.

Vết mổ chân của cháu Kiên.

Hơn 80 ngày đã trôi qua kể từ khi em Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4 trường Tiểu học Nam Trung Yên (TP Hà Nội) bị gãy chân, gia đình em vẫn chưa nhận được câu trả lời chính xác từ phía nhà trường, cụ thể là từ hiệu trưởng của trường là bà Tạ Thị Bích Ngọc.

Mặc dù phía nhà trường đã không dưới một lần cung cấp thông tin cho gia đình và báo chí, kể cả bằng hình thức gặp mặt trực tiếp và bằng văn bản mang tên “Báo cáo sự việc cần xem xét” nhưng những điều này này đều không được phía gia đình em Kiên đồng thuận. Anh Trần Chí Dũng, phụ huynh của em Kiên đã lên tiếng chỉ ra nhiều điểm được cho là chưa hợp lý trong nội dung mà cô Tạ Thị Bích Ngọc đưa ra.

Sự việc xảy ra vào ngày 1/12/2016, sau khi hết giờ ra chơi, em Kiên cùng các bạn chạy vào lớp học. Trong lúc chạy về lớp của mình, Kiên có va chạm với một chiếc taxi màu xanh khiến em ngã và bị gãy chân. Qua lời kể của Kiên, lúc đó em nhìn thấy trên xe có cô Hiệu trưởng của trường là bà Tạ Thị Bích Ngọc và cô hiệu phó.

Tuy nhiên, không nhận trách nhiệm, bà Ngọc đưa ra hết lí do này tới lí do khác. Ban đầu, bà cho rằng cháu Kiên gãy chân là do nô nghịch và tự ngã. Ngoài ra, bà còn bảo vệ cho mình bằng cách tổ chức một cuộc khảo sát lấy ý kiến của toàn bộ giáo viên và học sinh của trường. Trong phiếu khảo sát này, toàn bộ trường Tiểu học Nam Trung Yên đều khẳng định, hôm 1/12/2016 không hề có bất kì một chiếc taxi nào ra vào trường.

Sau đó, khi cơ quan chức năng tìm ra người lái taxi đâm vào cháu Kiên thì bà Ngọc lại nhớ ra một chi tiết khác là hôm sự việc xảy ra, đúng là bà có đi taxi vào trường. Khi bà đã xuống xe và đi vào bên trong, người lái taxi lùi xe thì va chạm phải cháu Kiên nên bà không hề biết có sự va chạm này.

Tuy nhiên, theo lời kể của em Kiên và nhiều học sinh khác có mặt khi vụ việc xảy ra tại sân trường thì trên xe có mặt cô hiệu trưởng và một giáo viên khác.

Về phía giáo viên trường tiểu học Nam Trung Yên, đến thời điểm này nhiều người đã lên tiếng để bày tỏ sự không đồng tình với những nội dung mà bà hiệu trưởng cung cấp.

Cô giáo Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A4 của cháu Kiên cho biết cô không hề tư vấn cho Ban giám hiệu nhà trường về việc làm phiếu khảo sát học sinh về vụ tai nạn như những gì hiệu trưởng trình bày trong báo cáo gửi các cơ quan chức năng vào ngày 13/2.

Cô Nhung và một số giáo viên khác không hề tham gia khảo sát vì việc thực hiện khảo sát với giáo viên được thực hiện trưa 15/12 và khi đó nhiều giáo viên không có mặt tại trường.

Bức thư của tập thể 18 giáo viên nhà trường gửi đến các cơ quan truyền thông cũng cung cấp một sự thật khác. Đó là khi phát phiếu khảo sát cho học sinh, cô trò đều chỉ được cho biết là để phục vụ cho báo cáo về an toàn trường học và phục vụ cho việc thanh tra của Sở GD-ĐT. Trước khi điền vào phiếu khảo sát của giáo viên, các giáo viên không hề biết gì về vụ tai nạn của cháu Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4.

“Trong suốt thời gian qua, tâm lí của giáo viên, phụ huynh và học sinh hoang mang, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học, uy tín của giáo viên. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết dứt điểm vụ việc này để ổn định tâm lí cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và trả lại sự bình yên cho ngôi trường” – lời yêu cầu khẩn thiết của tập thể các thầy cô giáo trường tiểu học Nam Trung Yên gửi tới báo chí, công luận.

Là một nhà giáo, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) cũng bày tỏ nỗi bất bình về cách ứng xử của đồng nghiệp, đặc biệt là với vai trò một người đứng đầu một cơ sở giáo dục mà hành xử như thế thì thật đáng buồn. Việc quanh co chối bỏ trách nhiệm, đưa ra hết trần tình này tới trần tình khác khiến cho sự việc kéo dài, ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh và phụ huynh. Dư luận xã hội bức xúc đặt câu hỏi về sự trung thực, về tính kỷ cương trong môi trường học đường, nơi mà những người thầy đứng trên bục giảng đang ngày ngày dạy các em nhưng lại không làm gương, không thực hiện nghiêm túc?

Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn. Nhưng khi sự việc đã xảy ra, sự lảng tránh của hiệu trưởng khiến nhiều người không khỏi băn khoăn: Thừa nhận sai lầm khó đến vậy sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ học sinh trường Nam Trung Yên (Hà Nội) bị gãy chân: Mong sớm có kết luận