Báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết “Mua bán trái phép tràn lan đất liên kết” phản ánh ông Nguyễn Trọng Hải (trú tại Tổ dân phố 6, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nguyên Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk cố tình bán hàng ngàn mét vuông đất liên kết trồng cà phê, thu lợi trái phép…
Giấy sang nhượng đất liên kết của ông Hải cho các hộ.
Sau khi báo Đại Đoàn Kết nêu, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh. Ngày 1-3, tại buổi họp báo định kỳ tháng 2/2018 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, ông Lưu Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định những thông tin do Báo Đại Đoàn Kết phản ánh trong bài viết đăng tải ngày 21/2 là đúng sự thật.
Theo kết quả xác minh của UBND thành phố Buôn Ma Thuột, khu đất (thửa số 15, tờ bản đồ số 78, diện tích 5.830 m2 mà Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột giao khoán đất liên kết cho hộ ông Nguyễn Trọng Hải đã được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk quản lý, lập phương án sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật.
Thế nhưng, kiểm tra hiện trạng thì thửa đất số 15, ông Hải đã tự ý mở đường rộng 5 m, dài 140 m và đã chuyển nhượng cho một số hộ dân thông qua giấy viết tay và trên thửa đất đã hiện hữu 8 căn nhà cấp 4 trong đó, ông Nguyễn Trọng Hải xây dựng nhà cấp 4 diện tích 128 m2, thời gian xây dựng vào năm 2004; ông Nguyễn Trọng Đông (con trai ông Hải) đã xây nhà kiên cố diện tích 152 m2 vào năm 2016; ông Trần Xuân Diệu xây nhà cấp 4, diện tích 90 m2 vào năm 2015; ông Tạ Duy Hưng xây dựng nhà 152 m2 giữa năm 2016; ông Trần Đức Phúc xây dựng nhà diện tích 152 m2 đầu năm 2016. Còn 3 căn nhà hiện nay chưa xác định được chủ đầu tư xây dựng. Bên cạnh các gia đình nói trên thì theo tìm hiểu của phóng viên còn có các căn nhà khác đã được xây dựng kiên cố trên đất liên kết này như của ông Nguyễn Như Hùng, bà Nguyễn Thị Hoa, ông Hoàng Giang.
Trao đổi với phóng viên, ông Khôi cho biết trách nhiệm ở đây trước tiên thuộc về Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột vì khi phát hiện các hộ dân nhận liên kết tổ chức xây dựng nhà cửa có đến lập biên bản nhưng không phối hợp với UBND phường Tân Lập để tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Về sai phạm của ông Hải xây dựng nhà trái phép và mua bán đất liên kết như báo Đại Đoàn Kết phản ánh, chính quyền sẽ có hướng xử lý.
Theo quy định, ông Hải không có quyền chuyển nhượng, xây dựng trái phép trên diện tích đất liên kết này. Việc ông Hải vẫn cố tình bán cho người khác là sai. Cũng theo ông Khôi, để xảy ra tình trạng này một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương.
Hiện UBND thành phố đã giao cho UBND phường Tân Lập phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk tiến hành rà soát, xác minh vụ việc để có cơ sở lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo đó, sẽ kiểm tra và kiên quyết xử lý theo pháp luật các trường hợp vi phạm. Xung quanh vụ việc, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu UBND thành phố Buôn Ma Thuột kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Liên quan đến bài phản ánh này, báo Đại Đoàn Kết cũng nhận được đơn của ông Văn Ngọc Thi ở phố Trần Hưng Đạo, TP Buôn Ma Thuột, yêu cầu làm rõ nội dung ông Nguyễn Trọng Hải chia sẻ trong bài phản ánh nêu: “Như ông Văn Ngọc Thi (nguyên Giám thị Trại giam Công an tỉnh Đắk Lắk) cũng mua mấy chục mét đất thuộc khu vực này để chờ lên giá”. Ông Thi cũng cho biết, ông là người mua đất, “nhưng không hề biết, đất mua từ bao giờ và ở đâu thuộc loại đất liên kết này”.
Theo tìm hiểu của PV thì nguồn gốc lô đất của ông Văn Ngọc Thi không nằm trong đất liên kết như ông Hải chia sẻ. Cụ thể, theo tài liệu do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột cung cấp: Tại phường Tân Lập, năm 2009 ông Văn Ngọc Thi có nhận chuyển nhượng đất của hộ ông Văn Thượng Diệp và vợ là bà Phạm Thị Lê địa chỉ 363/12 Nguyễn Văn Cừ -phường Tân Lập (thửa đất số 351, tờ bản đồ số 78, tại phường Tân Lập). Đây là diện tích đất trồng cây lâu năm + đất nuôi trồng thủy sản, thời gian sử dụng đất trồng cây lâu năm (CLN)đến năm 2043; đất nuôi trồng thủy sản (TSN) 2013. Nguồn gốc sử dụng, nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (cấp lại do tách thửa).