Ngày 9/9, TAND quận Long Biên (Hà Nội) đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 bị cáo: Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, trú tại phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Theo đó 2 bị cáo Nguyệt và Trang bị xét xử về tội “mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo Điều 120 Bộ luật Hình sự.
Hai bị cáo Nguyệt và Trang tại phiên tòa ngày 9/9.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Trang khai nhận, cuối năm 2012, ni sư Thích Đàm Lan (Trụ trì chùa Bồ Đề) giao cho Trang làm quản lý Khu nhà Mở. Cuối tháng 10/2013, Trang tiếp nhận nuôi cháu Cù Nguyên Công từ chị Trần Thị Thu Hà (năm nay 26 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) là mẹ đẻ cháu Công, nhưng không vào sổ ghi chép của nhà chùa.
Sau đó, cháu Công được anh Nguyễn Thành Long (trú tại Đống Đa, Hà Nội) nhận làm cha đỡ đầu và đặt tên là Cù Nguyên Công. Biết Nguyệt có nhu cầu xin con nuôi nên Trang đã sắp xếp Nguyệt và Hà gặp nhau nói chuyện nhận nuôi cháu Công. Tuy nhiên, đến ngày hẹn gặp thì Nguyệt báo bận không sang được nên Trang nhờ chị Hoàng Thị Minh (người bán nước gần chùa Bồ Đề) giả làm chị gái để gặp Hà xin nuôi cháu Công. Chị Hà đồng ý nên Trang bảo chị Hà vào chùa xin nhận lại con.
Sau đó, Trang thông báo cho Nguyệt biết tin chị Hà đồng ý cho con thì được Nguyệt hứa cho Trang và mẹ cháu bé 40 triệu tiền bồi dưỡng. Ngày 1/1/2014, sau khi chị Hà tới chùa Bồ Đề đón cháu Công ra khỏi chùa, Trang đã nhờ mẹ đẻ đưa cháu Công về nhà ở Thường Tín, Hà Nội. Một ngày sau đó, Nguyệt cùng chị Đặng Thị Hương Giang (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) tới đón cháu Công đi xét nghiệm HIV. Sau khi nhận cháu Công, Nguyệt đưa cho Trang 35 triệu đồng.
Tại tòa, bộ mặt thật của bị cáo Phạm Thị Nguyệt đã bị HĐXX “lật tẩy”. Tại tòa, Nguyệt khai, không hề hứa bồi dưỡng 40 triệu cho Trang trước khi nhận cháu Cù Nguyên Công. Bị cáo Nguyệt cũng khai, ban đầu Nguyệt nói với Trang là muốn tìm một cháu bé cho chị gái. Tuy nhiên, trước khi đón cháu Công về nuôi, Nguyệt đã nói với Trang mình sẽ là người trực tiếp nuôi cháu bé.
Khi HĐXX hỏi, vì sao nhận nuôi nhiều cháu nhỏ trong khi lại bỏ nhà đi không chăm sóc 2 con đẻ cùa mình? Nguyệt khẳng định vẫn chu cấp nuôi con đẻ, việc nhận con nuôi là vì tình thương các cháu bị bỏ rơi.
“Bị cáo nhận nuôi 2 cháu nhỏ nhưng đều bị bệnh. Từ tình thương với cháu nhỏ và mong muốn có thêm con để sau này về già có người chăm sóc nên bị cáo nhận nuôi cháu Công”, Nguyệt vừa khóc nức nở vừa khai.
Về mối quan hệ với các anh Phạm Đức Hữu và Nguyễn Văn Vũ, bị cáo Nguyệt thừa nhận, cùng lúc chung sống như vợ chồng với cả anh Hữu và anh Vũ nhưng không đăng ký kết hôn. Nguyệt cũng lừa anh Hữu và anh Vũ, các cháu bé Nguyệt nhận nuôi là con đẻ của hai người này.
Tại tòa, anh Hữu cho biết, Nguyệt lừa dối là có bầu sinh hạ cháu Đức Anh, Gia Hân và cháu Công. Do thường xuyên đi làm xa vắng nhà nên anh Hữu tin tưởng Nguyệt. Tin cháu Công là con mình, anh Vũ đã đưa cho Nguyệt 40 triệu đồng để chữa bệnh cho cháu Công. Sau khi nhận tiền của anh Vũ, Nguyệt đã đưa số tiền này cho Trang để trả cho việc mua cháu Công.
Tại phần tranh luận, Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyệt nhận định, Nguyệt đã chăm sóc cháu Công chu đáo, qua quá trình gặp gỡ cũng như lấy lời khai, mục đích của Nguyệt là muốn được nuôi con trẻ, xuất phát từ tình yêu thật lòng. Trước khi nhận con nuôi, Nguyệt không hề tìm hiểu về các quy định nhận con nuôi, đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn tới hành vi phạm tội của bị cáo. Việc Nguyệt phạm tội “mua bán em” là đúng người đúng tội, nhưng cần xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Ngược lại, luật sư đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng, với bị cáo Trang, bị cáo này đã lạm dụng quyền hạn được giao tại chùa, làm lộ thông tin cá nhân của cháu Công. Trang đã có rất nhiều hành vi lừa dối: mời người khác đóng giả là chị dâu, không cho cháu Công vào sổ theo dõi, không thực hiện đúng luật giao con nuôi.
Trong khi cháu đang chăm sóc tại BV Xanh Pôn thì nói dối rằng có đoàn kiểm tra, yêu cầu vợ chồng anh Long đưa cháu về ngay. Còn với Nguyệt, mặc dù đã nhận tới 2 con nuôi nhưng bị cáo lại coi thường pháp luật, làm giả giấy tờ để đưa cháu vào viện, làm giả giấy chứng sinh. Nguyệt cũng lừa dối nhiều người để đạt được mục đích của mình.
Trong phần tuyên án, HĐXX nhận định, qua tài liệu điều tra, lời khai các bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai của các bị cáo tại tòa đủ căn cứ để khẳng định 2 bị cáo thực hiện hành vi mua bán trẻ em. Hành vi này của 2 bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải nghiêm trị. Trong đó, bị cáo Nguyệt là người khởi xướng. Tuy nhiên qua đấu tranh bị cáo đã nhận tội nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Nguyệt 48 tháng tù giam về tội “mua bán trẻ em”. Cùng với tội danh trên, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang bị HĐXX tuyên phạt 42 tháng tù giam