Vụ mua xe tại Anycar nghi bị tua đồng hồ công-tơ-mét: Khách hàng được bảo vệ quyền lợi như thế nào?

Quốc Thanh 09/08/2023 14:06

Khách hàng sau khi mua xe cũ nếu phát hiện có sự can thiệp ODO (đồng hồ công-tơ-mét) thì phải giữ nguyên hiện trạng xe, đồng thời báo cho các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xác minh, làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, trên mạng xã hội liên tục lan truyền những thông tin liên quan đến vụ khách hàng mua xe Honda City cũ tại Anycar cho rằng bị tua công-tơ-mét. Sự việc nhận được phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng người dùng và đơn vị bán xe đã nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Sự việc bắt nguồn khi anh N.H.T. mua chiếc Honda City BKS: 51G-109.14 đời 2017 tại Anycar Long Biên vào đầu tháng 7/2023.

Showroom Anycar yêu cầu anh T. phải trả hết số tiền mua xe là 395 triệu đồng mới được đem xe đi kiểm tra tại đại lý chính hãng.

Sau khi thanh toán đủ tiền, đưa xe kiểm tra tại Honda An Khánh, anh T. được thông báo thời điểm tháng 1/2023 xe đã đi được hơn 180.000km, bị tua ngược tới 120.000km, giảm 2,8 lần so với thông số trên xe mà Anycar bán là 66.276km.

Cho rằng phía Anycar "lừa dối khách hàng", anh T. đã liên hệ với Anycar Long Biên với nguyện vọng trả lại chiếc xe nhưng không được phía showroom chấp thuận.

Câu chuyện của anh T. sau đó được tài khoản facebook "Tuan Tran" đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người quan tâm, chia sẻ. Trong đó, không ít người nổi tiếng trong làng xe đã lên tiếng ủng hộ, điển hình như Facebooker/Youtuber L.T.A. đã đăng tải bài viết và video liên quan vụ việc.

Mới đây Anycar đã gửi đơn tố cáo Youtuber L.T.A. tới 5 cơ quan gồm Công an quận Long Biên, Viện Kiểm sát nhân dân quận Long Biên, Tòa án quận Long Biên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội và Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông. AnyCar cho rằng, Youtuber này đã có phát ngôn trên mạng xã hội gây hiểu nhầm vụ việc, vu khống, bôi nhọ nói xấu doanh nghiệp không có căn cứ.

Về những vụ việc này, PV Đại Đoàn Kết Online đã ghi nhận ý kiến các luật sư để đưa ra những nhìn nhận pháp lý.

Có thể coi là hành vi lừa dối khách hàng

Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi tua công-tơ-mét có thể coi là hành vi lừa dối khách hàng nhằm thu về số tiền lớn hơn giá trị thực tế của phương tiện.

"Mặc dù trong cam kết đặt cọc, mua bán Anycar không nói về việc thay đổi ODO, tuy nhiên vì tin tưởng vào uy tín, tin tưởng vào những quảng cáo của Anycar nên khách hàng mới đặt cọc và thanh toán tiền mua xe. Anycar là đơn vị trung gian, trực tiếp ký hơp đồng mua - bán xe với khách hàng nên phải liên đới chịu trách nhiệm", luật sư cho biết.

uật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo Luật sư Hoàng Tùng, hiện nay, chưa có chế tài cụ thể áp dụng đối với hành vi này, mà chỉ có thể tham chiếu đến hành vi gian dối được quy định là một trong những hành vi bị cấm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Dẫn chiếu theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định mức xử phạt đối với hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ có 20 triệu đồng.

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định về tội lừa dối khách hàng. Theo đó thì người nào có hành vi tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác với mục đích lừa dối khách hàng bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, và có tổ chức có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Luật sư Tùng cho rằng, khi sự việc xảy ra, dù có hay không can thiệp ODO thì Anycar cũng cần liên hệ với khách hàng để kiểm tra dù là lỗi của bên nào, có câu trả lời thỏa đáng và có những chính sách để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Để bảo đảm xe tính khách quan, minh bạch, Anycar cần có chính sách mang xe đến hãng để kiểm tra chéo; các giấy tờ liên quan đến giao dịch như đặt cọc, mua bán phải có đầy đủ những cam kết để bảo đảm quyền lợi của khách hàng và có những điều khoản để loại trừ trách nhiệm của Anycar trong trường hợp bất khả kháng.

Khách hàng cần lưu ý, khi đã mua xe mà phát hiện bị can thiệp ODO thì khách hàng trước hết phải giữ nguyên hiện trạng xe, lưu giữ những bằng chứng chứng minh việc xe đã bị can thiệp ODO, kiểm tra, đối chiếu với những thỏa thuận của mình với showroom.

Sau đó liên hệ trực tiếp với chủ showroom và các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công thương, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và Cơ quan công an để xác minh điều tra, làm rõ để giải quyết theo quy định pháp luật.

Khó buộc trách nhiệm đối với Anycar

Bên cạnh đó, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội lại cho rằng trong vụ việc này khó buộc trách nhiệm đối với Anycar theo các thoả thuận trong hợp đồng theo 2 căn cứ sau.

uật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Đầu tiên, Anycar là đơn vị ký gửi xe, không có gì chứng minh họ tua lại số công tơ, trong các tiêu chí chất lượng xe cũ của họ không có mục số km; Thứ 2, theo quy định luật tại điều 445 Bộ luật Dân sự trường hợp bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật khi “vật bán ở cửa hàng đồ cũ”.

Điều 445 Bộ luật Dân sự thể hiện: Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán, nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn. Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp: khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua, vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ, bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.

Luật sư Lực cũng khuyến cáo tới khách hàng, sau khi mua xe cũ nếu phát hiện có sự can thiệp ODO thì phải giữ nguyên hiện trạng xe. Đồng thời báo cho các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xác minh, làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ mua xe tại Anycar nghi bị tua đồng hồ công-tơ-mét: Khách hàng được bảo vệ quyền lợi như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO