Vụ sụt lún tại xã Châu Hồng: 'Chúng tôi không chấp nhận nguyên nhân do đơn vị địa chất kết luận'

Điền Bắc 02/08/2022 15:17

Liên quan đến kết quả điều tra ban đầu về nguyên nhân sụt lún tại xã Châu Hồng mà Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ vừa công bố, UBND huyện Quỳ Hợp không đồng ý với kết quả này và cho thời hạn 10 ngày để đơn vị địa chất báo cáo lại một cách chi tiết cụ thể. Đồng thời, phải kết luận rõ, có hay không việc tụt nước ngầm là do doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây nên.

Như báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, vào ngày 1/8, UBND huyện Quỳ Hợp đã tổ chức cuộc họp để nghe Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ báo cáo kết quả khảo sát, xác định nguyên nhân gây sụt lún ở xã Châu Hồng.

Tại cuộc họp, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ cho biết, đã xác định được 6 nguyên nhân dẫn đến thực trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, giếng nước khô cạn tại xã Châu Hồng và vùng lân cận.

Nguyên nhân sạt lở, sụt lún, nứt nhà, giếng cạn tại xã Châu Hồng hơn 2 năm vừa qua là do tụt nước ngầm.

Theo đó, nguyên nhân đầu là do địa hình địa mạo tại các xã này khá phức tạp dẫn đến chế độ thủy văn nước mặt và nước ngầm bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do cấu trúc địa chất có nhiều hang động cát tơ, nhiều hang đá trầm tích bở rời hệ đệ tứ, tạo nên lớp chứa nước không áp lực.

Cùng với đó điều kiện thời tiết biến đổi bất thường đã tác động mạnh mẽ của tầng chứa nước áp lực trong đới karst đã phá vỡ lớp sét cách nước nên dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về nội dung này, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, nguyên nhân gây sụt lún, nứt nẻ nhà cửa ở xã Châu Hồng mà Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ đưa ra sau nhiều tháng khảo sát chưa rõ ràng, cụ thể, chưa thuyết phục nên huyện không chấp nhận.

Trong 2 năm qua, người dân nơi đây khốn khổ với những hệ lụy do nguồn nước ngầm cạn kiệt.

“Đây là những nguyên nhân về mặt tự nhiên, cái này đã biết từ lâu. Cái huyện cần, nhân dân cần là nguyên nhân dẫn đến tụt nước ngầm, có hay không doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây nên. Liên đoàn địa chất phải nêu cụ thể, chi tiết. Nguyên nhân này chúng tôi chưa chấp nhận, vì nó chưa thuyết phục. Do đó, huyện đã yêu cầu Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ phải báo cáo lại, sau 10/8 nếu không đưa ra được nguyên nhân rõ ràng, chúng tôi sẽ báo cáo xuống tỉnh”, ông Lợi cho biết.

Cũng theo ông Lợi, việc yêu cầu Liên đoàn địa chất không phải làm khó họ, nhưng đó cũng là cơ sở để huyện còn đưa ra giải pháp lâu dài và ổn định, đồng thời để trả lời cho người dân và báo cáo cấp trên.

Sau ngày 29/5 vừa qua, khi tỉnh Nghệ An yêu cầu tạm dùng khai thác nước ngầm, tại xã Châu Hồng gần 300 giếng nước đã có nước trở lại.

Trước đó, huyện Quỳ Hợp đã ký hợp đồng, thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ khảo sát, điều tra nguyên nhân gây ra sụt lún, giếng nước khô cạn trên địa bàn xã Châu Hồng. Hợp đồng thuê có kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Trước yêu cầu của huyện Qùy Hợp, trả lời báo chí, một lãnh đạo Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ cho biết, theo yêu cầu huyện, suốt 3 tháng qua, đơn vị đã khoan 13 mũi khoan, kết quả không phát hiện dấu hiệu gì bất thường. Trong quá trình khoan thăm dò điều tra, một số mỏ khoáng sản xung quanh không hoạt động, do đó quá trình điều tra đặc điểm địa chất, thủy văn tại khu vực đó, không có quan hệ mật thiết gì. Không xác định được dấu hiệu liên quan tới các mỏ khoáng sản. Không có số liệu khoa học nên chúng tôi không dám chỉ ra đơn vị nào trực tiếp gây ra nguyên nhân.

Do đó, đơn vị đã báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường rằng, Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ không thể đưa ra kết luận vì không có cơ sở số liệu. Không thể kết luận một cách hồ đồ được. Không chỉ được đích danh cho ai là thủ phạm. Đồng thời cho biết, muốn có cơ sở khoa học để chỉ đích danh nguyên nhân thì ít nhất phải mất 1 năm điều tra, tốn kém rất nhiều tiền.

Sau khi nghe Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ báo cáo một số nguyên nhân gây sụt lún ở xã Châu Hồng, UBND huyện đã không chấp nhận, cho rằng chưa thuyết phục.

Trước đó, theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, trong thời gian hơn 2 năm, địa phương này liên tiếp xuất hiện hiện tượng sụt lún.

Tính đến tháng 4/2022, xã Châu Hồng có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”. Nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng bị tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, sau ngày 29/5/2022 khi tỉnh chỉ đạo tạm dừng sử dụng nước ngầm khai thác khoáng sản, không còn có thêm nhà nào bị nứt nẻ, sụt lún. Trong khi, toàn bộ 299 giếng của người dân trước đó cạn trơ đáy, nay cũng đã có nước trở lại.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đi kiểm tra thực tế tại xã Châu Hồng và yêu cầu tạm dừng khai thác nước ngầm để đánh giá nguyên nhân.

Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, hiện nay đã có 10 hộ nhà cửa bị nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng nhất, phải sơ tán người và tài sản, đã được chính quyền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 283 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ sụt lún tại xã Châu Hồng: 'Chúng tôi không chấp nhận nguyên nhân do đơn vị địa chất kết luận'