Vụ Trịnh Xuân Thanh: Truy đến cùng, không có thời hiệu

V.Thắng - M.Loan (ghi) 04/11/2016 15:05

“Đối với Trịnh Xuân Thanh, đây là trường hợp truy đến cùng, không có thời hiệu”. Từ nhận định này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú…

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Truy đến cùng, không có thời hiệu

Thượng tướng Lê Quý Vương trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội ngày 4/11 (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam).

Sáng 4/11, bên hành lang QH, Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận: “Trong bối cảnh hiện nay công tác điều tra các vụ án kinh tế là rất khó khăn”.

Giải thích, Thứ trưởng Vương nói: “Mình thực hiện dân chủ, công dân nào cũng có quyền cấp hộ chiếu, hộ chiếu phổ thông rất đơn giản, đi lại một số nước trong khu vực qua lại rất thuận lợi. Có dư luận nói có tài khoản nước ngoài, thẻ xanh, một số người có thẻ APEC có thể đi lại một số nước trong khu vực, nên cũng đặt ra chuyện hết sức khó khăn. Còn quản lý xuất nhập cảnh thì chỉ quản lý công khai, xuất nhập cảnh qua biên giới, sân bay. Biên giới lại rất rộng, đường bộ, đường biển, tàu vận tải qua lại nữa, nên lợi dụng đi lại rất dễ dàng.”

Đối với những đối tượng thuộc tầm ngắm thì ngăn chặn thế nào?

- Ngăn thế nào được. Bộ luật Hình sự nêu chỉ có tội khi đã có bản án có hiệu lực thi hành của tòa án. Công an muốn bắt giữ người phải bắt quả tang, giữ khẩn cấp thì cũng phải báo cáo Viện Kiểm sát phê chuẩn nên rất khó để điều tra.

Quản lý công dân qua hộ khẩu thì rất thông thoáng, đăng ký thường trú chỗ này lại tạm trú chỗ khác, đi làm đi ăn thế này thế khác. Bối cảnh như thế nên lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn, chỉ có đối tượng hình sự, có tiền án, nghi vấn vi phạm hình sự thì còn quản lý chặt chẽ được.

Còn đối tượng này đa phần là cán bộ công chức, viên chức, đảng viên làm sao mà tiến hành biện pháp quản lý như nhà báo nêu được.

Qua các vụ việc của Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Văn Thảo thì thấy các đối tượng đã bỏ trốn ngay trước thời điểm khởi tố thì việc ngăn chặn bỏ trốn gặp khó khăn?

- Nói về rào cản có nhiều cái rất khó, ngay như luật pháp của Việt Nam và các nước cũng có quy định khác nhau.

Đối với Việt Nam, đây là tội danh vi phạm luật Hình sự nhưng ở nước khác lại quy định khác, nên tương trợ tư pháp hình sự của VN với các nước cũng khác nhau. Trừ một số nước có tương trợ tư pháp còn thuận lợi nhưng họ cũng phải bảo vệ quyền con người nên phối hợp cũng có cái khó. Công tác quản lý về xuất nhập cảnh cũng còn những bất cập.

Tội phạm kinh tế có quá trình điều tra dài nhưng quá trình ấy không có biện pháp?

- Giang Kim Đạt là trường hợp điển hình, nhưng khi trốn thì lực lượng công an tiến hành biện pháp truy tìm, bắt Giang Kim Đạt không phải dễ dàng gì, đã đi qua vài ba nước, bắt ở nước giáp ranh với mình.

Vậy Trịnh Xuân Thanh đi qua nước nào thì ta cũng phải nắm được?

- Nếu nói với các nhà báo thế này thì tôi thành tiết lộ bí mật điều tra mất.

Thông tin về Trịnh Xuân Thanh có gì mới khi trên mạng cùng xuất hiện nhiều thông tin liên quan tới ông này? Phải chăng việc bắt giữ khó khăn, thưa ông?

- Về mặt chứng cứ, công an không lấy tài liệu trên mạng làm tài liệu điều tra. Đó là thông tin tham khảo để phục vụ nhiệm vụ.

Tất nhiên, việc bắt đối tượng ở nước ngoài đâu có dễ.

Quan điểm với tội phạm nghiêm trọng, dù có tốn thời gian vẫn phải dẫn độ về phải không, thưa ông?

- Tôi xin nói rằng Bộ luật Hình sự quy định rất rõ, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thời hiệu của lệnh truy nã, bỏ trốn vô thời hiệu, không có thời gian kết thúc, truy đến cùng.

Đối với Trịnh Xuân Thanh, đây là trường hợp truy đến cùng, không có thời hiệu. Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, đó cũng là bản lĩnh của con người, dám làm dám chịu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ Trịnh Xuân Thanh: Truy đến cùng, không có thời hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO