Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, 418,65 ha rừng do hai Ban quản lý rừng phòng hộ tại huyện Đắk Pơ quản lý đã "biến mất". Trong khi hồ sơ vụ việc đang được chuyển sang CQĐT thì Sở Nông nghiệp tỉnh này lại xử lý hành chính 2 lãnh đạo liên quan.
Quyết định kỷ luật cảnh cáo của Sở NN&PTNT đối với Trưởng Ban QLRPH Ya Hội.
Ngày 14/9, Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trương Duy Sinh, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ya Hội và khiển trách đối với ông Đỗ Hữu Long, Phó Trưởng Ban QLRPH Bắc An Khê. Nguyên nhân để mất rừng tự nhiên, rừng trồng và đất lâm nghiệp. Quyết định được ký nóng vào ngày 11/9.
Lý do kỷ luật, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai Nguyễn Nhĩ là: "Diện tích bị mất lên đến 1.266,3 ha, tương đương 86,3%". Sai phạm kéo dài nhiều năm... Đất rừng lấn chiếm bị "người dân" tiến hành trồng thông, bạch đàn, keo lai, xà cừ.
Ngoài ra, Ban QLRPH Bắc An Khê tiến hành liên doanh với 251 hộ dân để trồng rừng nguyên liệu cho Nhà máy MDF giai đoạn 1998 - 2003. Thời gian ký hợp đồng là 1 chu kỳ, 7 năm. Tuy nhiên, hết hạn hợp đồng chỉ 2 hộ tái ký, 249 hộ còn lại không ký hợp đồng cũng không giao trả đất.
Quá trình quản lý, Ban QLRPH Bắc An Khê chỉ phát hiện, lập biên bản được 135,3 ha (1/10 diện tích) với 181 đối tượng. Thảm hơn, đơn vị này chỉ mới xử lí được 47 đối tượng (khởi tố: 1; xử lí hành chính 46), tuy vậy các đối tượng xử lý hành chính lại không chấp hành. Việc 143 đối tượng không bị xử lí khiến nhiều người băn khoăn, khó hiểu.
Cũng có trụ sở tại huyện Đắk Pơ (Gia Lai), Ban QLRPH Ya Hội - do ông Trương Duy Sinh làm Trưởng ban - được giao quản lý 21 tiểu khu với diện tích 1.289,3 ha. Không hiểu lí do gì, đơn vị này bị mất lên đến 882,62 ha đất lâm nghiệp. Bất ngờ thay, theo hồ sơ, từ năm 2010 đến nay, Ban này chỉ lập biên bản được 70,1 ha, còn từ 2010 trở về trước, không báo cáo được do "thất lạc hồ sơ".
Nhiều diện tích rừng tại lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội đã bị phá.
Vụ việc đã được Thanh tra tỉnh vào cuộc, kết luận thanh tra nhấn mạnh: "Trong 1.266,3 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, Ban QLRPH Bắc An Khê để mất 251,93 ha rừng" và "882,62 ha đất lâm nghiệp của Ban QLRPH Ya Hội bị lấn chiếm, để mất 166,72 ha rừng". Tổng cộng đã có 418,65 ha rừng do hai Ban này quản lý bị "biến mất".
Từ đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai điều tra về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 285 Bộ luật Hình sự. Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai đã chuyển văn bản số 422-TB/TU thống nhất yêu cầu chuyển hồ sơ sang Công an, đề nghị bàn giao hồ sơ cho Công an.
Trao đổi với PV về quyết định xử lý kỷ luật khi tỉnh đã yêu cầu Công an điều tra, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai nhấn mạnh: "Trong quá trình Công an điều tra, mà chưa cấu thành tội phạm thì kỷ luật hành chính vẫn kịp thời, đúng theo luật định”. Theo ông Phước Anh: Bây giờ việc điều tra thì phía Công an đang làm, cho nên kết luận Thanh tra luôn có hai hướng: Thứ nhất chuyển Công an điều tra, thứ 2 chỉ đạo xử lý hành chính để kịp thời giáo dục, răn đe người điều hành tiếp theo không để mất mát thêm.