Nước lũ đang rút dần ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung cao nhất cho công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, sắp xếp lại cuộc sống cho người dân với tinh thần “nước rút tới đâu, khắc phục tới đó”.
Theo ghi nhận của Báo Đại Đoàn Kết, tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trận mưa lũ vừa qua đã làm khoảng 1.000 nhà dân bị ngập và gần 5.000 vườn hộ ngập lũ. Nhiều công trình công cộng bị ngập, ảnh hưởng, trong đó, có 8 trường học, 16 hội quán thôn, 1 công trình bưu điện.
Nhiều tuyến đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại, nhiều công trình hồ, đập, kè bờ sông bị hư hỏng, sạt lở. Đặc biệt, đập Tắt ở xã Hòa Hải có dung tích 0,4 triệu m3 bị vỡ thân đập gây xói lở đường giao thông và bồi lấp diện tích đất lúa vùng hạ du. Đáng buồn hơn, trên địa bàn có 3 người tử vong do mưa lũ.
Sau khi nước rút, tại các điểm có thể khắc phục, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cảnh sát cơ động Bộ Công an cùng với các lực lượng đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, phụ huynh, giáo viên và cán bộ công chức các xã đã tập trung lau chùi bàn ghế, nền nhà các lớp học và sân trường.
Ngày 2/11, nguồn tin từ Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, mưa lũ những ngày vừa qua khiến 8 trường học ngập sâu. Sau khi nước rút, lượng bùn dồn vào trường học rất lớn, nhà trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành dọn dẹp, để sớm đón học sinh quay lại trường.
Theo thống khê ban đầu của Phòng GD&ĐT huyện, mưa lũ đã khiến một nam sinh lớp 8 tử vong. Sạt lở đất vùi lấp bể tự hoại nhà vệ sinh và hành lang một số trường học; nhiều tường rào của trường học bị đổ sập... Tính đến sáng 2/11, toàn huyện có hơn 3.000 học sinh nghỉ học do mưa lũ.
Tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), người dân cũng tranh thủ dọn vệ sinh nhà cửa, khơi thông các tuyến đường để đảm bảo việc đi lại, sớm ổn định sinh hoạt sau lũ. Ở các xã vùng hạ du Vũ Quang như: Đức Giang, Đức Liên, Đức Bồng... người dân cùng hỗ trợ nhau dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại nhà ở cũng như các khu vực công cộng.
“Để bà con sớm ổn định cuộc sống, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung nhân lực hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại; Chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện sản xuất vụ đông sau mưa, lũ đảm bảo kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn rà soát các vị trí xung yếu, khu vực bị sạt lở, xói lở để có phương án khắc phục kịp thời. Với những công trình hư hại nặng, huyện sẽ xem xét, bổ cứu nguồn lực để xử lý trong thời gian sớm nhất", một lãnh đạo huyện Vũ Quang cho biết.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế các huyện đã bố trí lực lượng tập trung xứ lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt cho người dân bị ngập lũ, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra.