Vươn khơi bám biển

Tấn Thành 05/12/2021 13:50

Bao đời nay ngư dân Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng luôn giữ gìn truyền thống vươn khơi bám biển. Họ luôn ý thức rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của cha ông để lại, nên dù gió bão, dù bị tàu nước ngoài gây khó nhưng ngư dân vẫn ra khơi bám biển để trở về với những chuyến hải sản đầy ắp tàu thuyền.

1. Tâm sự cùng chúng tôi, thuyền trưởng Võ Quang Thái, chủ tàu QNa 91939 TS, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nói rằng: Đã là ngư dân thì phải có khát vọng vươn khơi và ông thật sự vui mừng khi Nhà nước có những chính sách giúp ngư dân vươn khơi xa.

Như Nghị định 67 hỗ trợ nguồn vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu cá, hay hỗ trợ xăng dầu. Từ đó ngư dân đánh bắt ven bờ rồi sẽ đến khát vọng vươn khơi xa, gắn bó với ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa.

Gặp chúng tôi ngay cảng Sa Kỳ, ngư dân Huỳnh Văn Tạo (55 tuổi), ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, chủ tàu QNa 91144 TS là người có thâm niên hơn 30 năm đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa cho biết: Thực lòng chúng tôi cũng có phần lo ngại khi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa vì bị tàu lạ liên tục quậy phá. Nhưng dần rồi cũng quen, anh em thay phiên nhau trực cảnh giác để tùy cơ ứng biến.

Nếu mình không hiện diện tại vùng biển Hoàng Sa thì họ được đà lấn tới. Chết sống anh em chúng tôi cũng phải bám biển Hoàng Sa.

Ngư dân Huỳnh Văn Tạo bên tàu cá chuẩn bị xuất phát ra khơi.

Còn ngư dân Phạm Quang, chủ tàu QNa 95761 TS cho biết cụ thể: Để ra ngư trường Trường Sa đánh bắt hải sản thì phải sử dụng số lượng xăng dầu mỗi tàu khoảng 5.000 lít, còn tại Hoàng Sa là khoảng 7.000 lít. Ngoài ra còn phải sẵn sàng ngư lưới cụ, như yếu phẩm. Mỗi tàu có từ 7 đến 10 bạn tàu tinh thần vững vàng và chuẩn bị cho cuộc hành trình chừng 1 tháng. Nếu mọi việc thuận lợi thì có thể kiếm trăm triệu đồng mỗi chuyến đi.

Ông Quang khẳng định: Không riêng gì tôi mà hầu hết ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi có tàu công suất lớn đều quyết tâm bám trụ ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều nơi khác thuộc chủ quyền của Việt Nam để đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đó cũng là tâm sự của rất nhiều ngư dân mà chúng tôi đã gặp gỡ dịp này.

Thuyền trưởng Thái chia sẻ, để vượt sóng gió đến với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa ông đã trải qua rất nhiều khó khăn. Ban đầu sắm chiếc tàu nhỏ làm nghề lưới mành gần bờ, rồi đến chiếc tàu to hơn chút. Thế nhưng đã là ngư dân, quyết tâm bám biển ai không khát khao vươn xa, tìm đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Vì thế ông đã quyết tâm đóng được con tàu lớn để vươn khơi xa. Rồi mỗi năm ông luôn có từ 8 đến 10 chuyến biển Hoàng Sa, Trường Sa.

“Tôi đã khóc khi mình bước lên con tàu lớn, vươn khơi xa. Tôi thầm gọi, cha ơi con ra ngư trường của một thời cha từng ngang dọc đánh bắt hải sản đây”, ông Thái nói đầy xúc động, đôi mắt rớm lệ nhìn về phía khơi xa.

Nhiều ngư dân cho rằng, khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, tàu cá thường bị tàu nước ngoài gây khó, nhưng họ kiên cường bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

“Để mỗi năm có gần 10 chuyến biển khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đòi hỏi ngư dân phải kiên cường bám biển, dám vượt qua khó khăn, phải luôn nung nấu ý chí, biển Hoàng Sa, Trường Sa là của ông cha ta để lại nên phải giữ ngư trường truyền thống này”, thuyền trưởng Thái khẳng định.

Cá về từ Hoàng Sa.

2. Tại Quảng Nam hiện có hơn 1.500 tàu thuyền với tổng công suất hơn 103.000 CV, trong đó đến 217 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Còn tỉnh Quảng Ngãi hiện có trên 5.600 chiếc tàu thuyền, trong đó có 1.770 chiếc thường xuyên khai thác thuỷ sản tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1...

Ở những địa phương này có hơn 5 vạn lao động trực tiếp sản xuất trên biển, mỗi năm khai thác hàng trăm nghìn tấn hải sản các loại.

Riêng huyện đảo Lý Sơn có 417 phương tiện tàu cá, trong đó có trên 1/2 số tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ và tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa -Trường Sa, mỗi năm khai thác trên 38.000 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 450 tỷ đồng, thu nhập trung bình một lao động nghề biển đạt từ 80-100 triệu đồng.

Một số thuyền trưởng cho biết, mỗi năm họ đi biển từ 8 đến 10 chuyến và luôn bám sát ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Những năm gần đây có những chuyến biển đối diện với nhiều gian khó, từ thiên tai đến nhu yếu phẩm tăng cao hay khó đầu ra cho hải sản đánh bắt được vì dịch bệnh Covid-19. Có chuyến biển lỗ gần cả 100 triệu đồng, nhưng cũng có những chuyến lời hàng trăm triệu đồng.

Ngư dân Võ Quang Thái bên con tàu bị tàu lạ tấn công hư hỏng.

Bà Đặng Thị Mỹ Nhân, vợ thuyền trưởng Võ Quang Thái chia sẻ: Người xưa đã nói, lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm, quả đúng như vậy. Cứ mỗi lần chồng vươn khơi xa là tôi đêm nằm trăn trở, cầu nguyện biển yên, sóng lặng. Còn mỗi lần nghe đài báo có sóng to, gió lớn là đêm đêm tôi không thể chợp mắt được, chỉ mong chờ ngày chồng về đất liền.

Để có vốn sắm ngư cụ vươn khơi vợ chồng ông Thái đã vay 300 triệu đồng để về thay mới mũi tàu và sửa lại máy, hầm khoang tàu. Ngoài ra, còn mua nợ thêm 110 triệu đồng tiền lưới. Khó khăn là vậy nhưng thấy chồng yêu biển, quyết tâm với nghề bà Nhân cũng khuyên chồng nỗ lực cố gắng.

Điều mà họ trăn trở là làm sao để có thể an tâm bám biển, khi thiên tai, tàu lạ cho đến giá cả nhu yếu phẩm tăng cao, giá cả hải sản thất thường,… Nhưng dù thế nào đi nữa vẫn bám biển, đó là quyết tâm của nhiều ngư dân.

Ngư dân Huỳnh Văn Chinh, ở thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, chủ tàu cá QNa 90609 TS cho biết: “Thời điểm gần cuối năm anh em tôi bám biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản với hy vọng trúng được mẻ lớn để có nguồn thu nhập lo cho cái Tết Nguyên đán sắp tới”.

Còn ngư dân Phạm Văn Tám, chủ tàu cá QNa 90779 TS, ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang nói: “Cứ mỗi chuyến biển tôi chi ra hơn 100 triệu đồng. Trong đó, tiền xăng dầu, lương thực, thực phẩm và hơn 1.000 cây đá. Tất cả đặt niềm tin cho những chuyến biển cuối năm sẽ trở về với đầy ắp cá để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của nhân dân và có một cái Tết ấm cúng cùng gia đình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vươn khơi bám biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO