Xã đảo ô nhiễm, nhà máy xử lý rác 'đứng bánh'

Tấn Thành 02/12/2015 14:00

Rác thải từ đất liền trôi dạt vào xã đảo cùng với rác thải của người dân địa phương và tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan đang khiến xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Thế nhưng, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương vẫn “đứng bánh” do chính người dân nơi đây liên tục cản trở thi công.


Rác thải từ đất liền tấp về cùng với rác thải của người dân xả ra
xã đảo Tam Hải bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hằng ngày đi trên chuyến phà nối đất liền với với xã đảo Tam Hải, có lẽ hình ảnh khó chịu nhất đập vào mắt người dân là tình trạng rác thải trôi lập lờ ven bờ sông Trường Giang và tấp vào xã đảo này, nhất là khu vực gần chợ Tam Hải. Nào là bao ni lông, thùng xốp, cây cối và rác thải các loại đóng dày đặc đã biến nơi đây thành bãi rác. Nhiều người dân khu vực cho rằng, do không có nơi xử lý rác thải, nhiều hộ dân nhất là các tiểu thương buôn bán ở chợ Tam Hải đành mang rác đổ xuống… sông.

Trao đổi với chúng tôi, cụ Huỳnh Thị Lộc (80 tuổi), ở thôn 2, xã Tam Hải cho biết: “Do xã đảo nằm cuối con sông Trường Giang là cửa ngỏ đổ ra biển nên trở thành nơi hứng rác thải của đất liền. Nếu người dân ở các xã ven biển của TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành xả rác ra sông thì rác thải sẽ theo dòng nước trôi về và tấp vào ven bờ xã đảo này. Xã không hề có bãi rác để đưa đi tiêu hủy. Lâu lâu các tổ chức tình nguyện hoặc học sinh địa phương đến thu dọn, còn không thì nó cứ chất thành đống. Dù biết là ô nhiễm nhưng vì cha chung không ai khóc”.

Chủ tịch UBND xã Tam Hải, Trần Ngọc Hữu cho biết, việc xử lý rác thải sinh hoạt thật sự đang khiến địa phương hết sức đau đầu. Rác thải tại Tam Hải một phần do người dân địa phương xả ra do dân số ngày càng đông.

Trước thực tế này, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân xã đảo kiến nghị chính quyền các cấp quan tâm tìm giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương. UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định cấp 4,5 tỉ đồng để xây dựng nhà máy đốt rác tại xã Tam Hải. Theo kế hoạch, tháng 6-2015 nhà máy được khởi công. Thế nhưng, người dân lại liên tục cản trở khiến dự án này “đứng bánh”.

Theo đó, vị trí công trình được xây dựng tại thôn Bình Trung với diện tích 5.000m2 và do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư. Để đảm bảo xây dựng công trình theo đúng quy định, UBND tỉnh quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Thế nhưng chính người dân lại đứng ra ngăn cản dự án này.

Làm việc với PV Đại Đoàn Kết, ông Chung Thành Đông, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết: “Do điều kiện giao thông cách trở, việc vận chuyển rác thải từ xã đảo Tam Hải vào đất liền xử lý gặp rất nhiều khó khăn nên lượng rác thải tồn đọng ngày một nhiều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Tam Hải là một biện pháp tối ưu. Hơn nữa lò đốt này áp dụng công nghệ tiên tiến, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng kiểu dáng công nghiệp, khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường QCVN 30:2012/BTNMT. Quy trình xử lý rác được thực hiện khép kín. Mỗi giờ lò đốt được 500kg rác, lượng tro xỉ thu được chỉ còn 0,5% so với lượng rác đưa vào đốt, dùng để ươm cây. Dự án cũng đã được quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”.

Ông Chung giải thích thêm, hiện nay rác tràn ngập xã đảo, với cách thủ công chôn lấp của các hộ dân, hay đổ xuống sông là càng làm cho tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng thêm. Trong khi đó, đây là lò đốt mà người dân lại lo ngại ô nhiễm nguồn nước là không thực tế. Chúng tôi cũng đã có cam kết về việc quản lý, vận hành nhà máy, tuân thủ nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường nhưng các hộ dân nói trên vẫn không đồng thuận, ủng hộ.

Thiết nghĩ, cần sự vào cuộc hơn nữa của chính quyền địa phương, của các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền vận động, giải thích cho các hộ dân hiểu rõ, nhằm tạo sự đồng thuận để công trình sớm được thi công và đưa vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã đảo ô nhiễm, nhà máy xử lý rác 'đứng bánh'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO