Giáo dục

Xã hội hóa giáo dục: Bao nhiêu là đủ?

Vi Cầm 03/10/2024 14:00

Lâu nay trên các diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh có chung một câu hỏi rằng những khoản tiền xã hội hóa là tự nguyện hay bắt buộc, những gia đình không có điều kiện có nhất thiết phải đóng góp hay không?

ANH THAY
Bảng kê thỏa thuận thu chi các dịch vụ tại một trường học ở Hà Nội. Ảnh: Xuân Lê.

Những băn khoăn này xuất phát từ những khoản thu đầu năm tại nhiều nhà trường. Đặc biệt với những gia đình có 2-3 con đi học ở các cấp, thì đó quả là một gánh nặng quá lớn.

Khảo sát sau cuộc họp phụ huynh đầu năm ở nhiều trường phổ thông cho thấy, những khoản thu mà các Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban phụ huynh) đưa ra có rất nhiều danh mục. Cộng nhiều khoản nhỏ, thành một khoản to đáng kể. Thậm chí ở những trường THCS công lập tại Hà Nội, tiền đóng quỹ phụ huynh trung bình là 2,5 triệu đồng/học sinh/năm. Nếu nhân với sĩ số lớp học đang là 50 học sinh/lớp, đây sẽ là số tiền lớn.

Đáng lưu ý, trước thềm năm học mới 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đã có văn bản quy định rõ về 7 khoản tiền mà Ban phụ huynh không được thu của gia đình người học. Nhưng quy định ở trên giấy, thực tế đa phần các Ban phụ huynh vẫn thu những khoản tiền vệ sinh, tiền điện điều hòa, tiền chúc mừng các thầy cô nhân các ngày lễ…

Vừa rồi việc một cô giáo tại TPHCM xin tiền phụ huynh mua laptop đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Sự việc này không chỉ làm dấy lên những tranh cãi về đạo đức nghề nghiệp mà còn đặt ra nhiều vấn đề về công tác xã hội hóa trong ngành giáo dục.

Những phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng cũng cho thấy mức độ quan tâm của xã hội đối với vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục. Phụ huynh mong muốn có một môi trường giáo dục trong sạch, nơi giáo viên là tấm gương về đạo đức và trách nhiệm cho học sinh noi theo. Quan trọng hơn thế, vụ việc còn làm dấy lên những lo ngại về tình trạng “lạm thu” trong trường học, một vấn đề đã và đang gây nhiều tranh cãi trong xã hội và chưa có hồi kết.

Xã hội hóa giáo dục, theo cách hiểu đúng và đủ là vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Đây là chủ trương cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội quan tâm, chăm chút cho giáo dục. Chỉ tiếc rằng lâu nay, việc vận động tự nguyện trong trường học đã gây ám ảnh, lo ngại cho phụ huynh. Các chuyên gia giáo dục đã phân tích rằng, giáo dục rất cần phải có tiền, nhưng giáo dục cũng không chỉ có tiền. Việc để xảy ra lạm thu trong nhà trường dưới danh nghĩa Ban phụ huynh đứng ra thu thì hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm. Để xảy ra xã hội hóa đến mức lạm thu cũng có nghĩa người đứng đầu nhà trường quên mất rằng, xã hội hóa giáo dục còn nhiều nguồn lực khác về con người, khả năng, công sức và cả về niềm tin... chứ đâu chỉ có thu tiền để trang trải, chi phí.

Không thể phủ nhận rằng công tác xã hội hóa giáo dục, nhờ sự đóng góp của cộng đồng, nhiều trường học đã được xây dựng và nâng cấp, trang thiết bị dạy và học được cải thiện đáng kể. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở những vùng khó khăn. Tuy nhiên, ranh giới giữa xã hội hóa với lạm thu trong một số việc chưa rõ ràng đã gây bức xúc trong xã hội. Do đó, xã hội hóa giáo dục cần được thực hiện đúng, đủ, minh bạch để tạo sự đồng tình, nhất trí trong dư luận.

Vì thế, vấn đề minh bạch các khoản thu cũng như cần sự đồng tình/tự nguyện từ phía gia đình người học là việc cần thiết phải làm. Trước khi vận động phụ huynh đóng góp bất cứ khoản nào, nhà trường cần công khai ngân sách cấp cho trường ở các hạng mục trong năm như thế nào, kế hoạch chi tiêu ra sao, còn thiếu bao nhiêu…từ đó mới có cơ sở để hô hào sự chung tay của phụ huynh, hoặc của những mạnh thường quân. Việc tăng cường minh bạch sẽ giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về mục đích và cách sử dụng các khoản đóng góp của họ, từ đó tăng cường sự ủng hộ và tham gia tích cực vào quá trình xã hội hóa giáo dục.

Hay nói một cách khác, trường học cần biết giới hạn những khoản nào có thể kêu gọi xã hội hóa, những khoản nào là không nên và không thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã hội hóa giáo dục: Bao nhiêu là đủ?