Mang hình thái không gian đặc biệt, có nhiều nghề thủ công truyền thống và đậm đặc di tích lịch sử, tất cả tạo cho hồ Tây trở thành một danh thắng hết sức đặc biệt của Thủ đô. Tuy nhiên để khai thác những lợi thế đó trong phát triển du lịch thì cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và người dân.
“Viên kim cương” của Hà Nội
Hồ Tây là một trong những địa điểm thu hút rất đông khách du lịch và cũng là khu vực có mật độ cư trú của người nước ngoài cao nhất TP Hà Nội. Với vị thế mới, tầm vóc mới, hồ Tây chính là điểm nhấn du lịch Thủ đô bên cạnh du lịch phố cổ và du lịch sông Hồng.
Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa xung quanh hồ Tây gắn với lịch sử hình thành, phát triển của kinh thành Thăng Long như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… làm nên một danh thắng hết sức đặc biệt. Ở ven hồ và vùng phụ cận đến nay vẫn duy trì những lễ hội, phong tục đặc sắc như thi thổi cơm ở hội làng Nghè (làng Trung Nha, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy); Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ; lễ hội truyền thống đình Nhật Tân, đình Yên Phụ, phủ Tây Hồ, đền Voi Phục…
Ven hồ Tây có nhiều làng nghề truyền thống như vùng trồng đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, Tứ Liên; làng dệt và làm giấy dó Yên Thái; làng xôi Phú Thượng…
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, quận Tây Hồ sẽ là vùng có không gian đô thị xanh, thông minh, bền vững; là trung tâm thương mại - du lịch - dịch vụ lớn và hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của khu vực hồ Tây và vùng phụ cận, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, khu vực xung quanh hồ Tây với lịch sử lâu đời đã hình thành nên nhiều nghề thủ công truyền thống với đậm đặc các công trình di tích lịch sử có giá trị. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây được TP Hà Nội quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao giá trị của hồ Tây. Quận Tây Hồ cũng nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng, độc đáo, tiêu biểu là các sản phẩm gắn với thương hiệu Sen hồ Tây.
Đồng quan điểm, TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đã ví hồ Tây như viên kim cương của Thủ đô Hà Nội, với vị trí rất đắc địa và bề dày lịch sử văn hoá truyền thống trong quá trình hình thành phát triển của vùng đất Thăng Long - Hà Nội.
Nhiều chuyên gia đánh giá, quận Tây Hồ có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch về di sản văn hóa. Thời gian gần đây, quận đã có sự quan tâm đặc biệt để xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch và ẩm thực, trong đó có sen Tây Hồ nức tiếng gần xa. Và người ta vẫn nói, chỉ những nghệ nhân vùng Quảng An, Tây Hồ mới có thể ướp ra thứ trà sen tinh túy đến như vậy.
Con đường du lịch của Thủ đô
Tiềm năng là như vậy, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học thì việc khai thác các di sản hồ Tây vẫn còn những tồn tại, chưa phát huy được hết giá trị. TS Lê Thị Thu Hương - Trường Đại học Thủ đô cho rằng, hiện nay, hồ Tây và vùng phụ cận chưa được khai thác hết tiềm năng vốn có, chưa thực sự tạo ra bước đột phá. Để phát triển và xây dựng hồ Tây thành tâm điểm trong quy hoạch, cần hiểu lịch sử, văn hóa của khu vực này, làm từ gốc là khôi phục, bảo tồn và phục dựng các di tích lịch sử văn hóa ven hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn, phát triển các lễ hội truyền thống, các làng nghề truyền thống; xây dựng các không gian văn hóa…
“Để làm được việc này, cần huy động nguồn lực và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là người dân địa phương vùng ven hồ Tây, chủ nhân trực tiếp của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong không gian lịch sử văn hóa hồ Tây” - TS Hương chia sẻ.
Ông Phùng Quang Thắng - Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam cho rằng, quận Tây Hồ có ưu thế phát triển du lịch khác biệt với không gian hồ nước lớn nhất nội thành Hà Nội. Con đường quanh hồ Tây có thể trở thành con đường du lịch của Thủ đô. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn đến việc cải tạo cảnh quan môi trường. Quy hoạch, kết nối điểm đến, đưa vào nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, quận Tây Hồ là địa phương có thế mạnh về du lịch văn hóa, nên cần tăng cường đào tạo cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm.
Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng, quận Tây Hồ cần hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ thật chỉn chu và kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành. Chính quyền quận Tây Hồ có thể kết nối ngay các hộ có nghề truyền thống, hộ kinh doanh, khu, điểm, ban quản lý các di tích với doanh nghiệp lữ hành để đưa vào City tour (khám phá thành phố). Khi doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi thì những giá trị truyền thống đặc sắc mới được bảo vệ và tạo đòn bẩy cho du lịch ngày càng phát triển.