Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2016, công tác Mặt trận các cấp tỉnh Đồng Tháp có bước khởi sắc rõ nét, đạt nhiều thành tích, khẳng định vai trò, vị trí của MTTQ đối với hệ thống chính trị cũng như tạo được lòng tin đối với nhân dân. Bà Đặng Thị Mỹ Cẩm, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả công tác Mặt trận và định hướng trong năm 2017, trong đó khẳng định: Xây dựng các mô hình để khẳng định vị thế của MTTQ trong hệ thống chính trị và trong lòng nhân dân.
Bà Đặng Thị Mỹ Cẩm.
PV:Bà có thể nêu những nét nổi bật công tác Mặt trận của Đồng Tháp trong những năm qua, đặc biệt là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020.
Bà Đặng Thị Mỹ Cẩm: Nét nổi bật của họat động Mặt trận các cấp năm 2016 là đổi mới phương thức và lề lối làm việc từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nhiều mô hình, điển hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để hoạt động.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và 5 chương trình hành động của MTTQ, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh điều chỉnh, bổ sung qui chế làm việc, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, bộ máy của các ban chuyên môn, tập trung nâng cao chất lượng họat động của Mặt trận cơ sở. Cán bộ được phân công phụ trách địa bàn cụ thể, qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn của cơ sở để đề xuất hướng giải quyết.
UBMTTQ các cấp rà soát lại tất cả các chương trình phối hợp liên tịch giữa UBMTTQ với UBND, các ban ngành, các tổ chức thành viên, tổ chức sơ kết, ký kết lại các chương trình phối hợp trong đó có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung qui chế cho phù hợp với điều kiện và tình hình mới.
UBMTTQ tỉnh phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, các tổ chức thành viên qua đó tập hợp được trí tuệ tập thể trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, có kiến nghị xác đáng cho các cấp ủy đảng và có sự phối hợp tốt với chính quyền thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội mà nghị quyết đề ra.
Đặc biệt, UBMTTQ các cấp tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề lồng ghép các phong trào trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” qua đó huy động được sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, hình thành được nhiều mô hình hay trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, an sinh xã hội...
Trong những năm qua, chỉ riêng trong hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã hình thành 13 mô hình hay trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế; chương trình mục tiêu quốc gia, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Đảng, chính quyền, đang được nhân rộng ở hầu khắp các khu dân cư, góp phần nâng cao đời sống, mang lại bình yên thôn xóm, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Được biết một trong những mô hình thành công của các phong trào là phát huy mô hình thí điểm tổ nhân dân tự quản cộng đồng. Bà cho biết hiệu quả của mô hình này?
- Đúng vậy, đây là tổ chức tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư, qui mô từ 15 đến 30 hộ, thực hiện 12 vấn đề về dân sinh, xây dựng nông thôn mới hết sức thiết thực với cuộc sống người dân.
Mô hình này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao, cho tiến hành thí điểm ở 36 tổ của 12 huyện, thị, thành. Từ chỗ chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực: dân phòng, khuyến học, văn hóa nay được mở rộng phạm vi hoạt động, giải quyết những yêu cầu bức xúc của bà con như: đóng góp xây dựng giao thông, kéo điện, cấp nước, nâng cấp hẻm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng nhà đại đoàn kết,...
Tất cả các hoạt động được thực hiện bằng sức dân, do dân quyết định trên tinh thần tự nguyện nhằm đảm bảo yêu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân.
Cũng thông qua mô hình tổ nhân dân tự quản cộng đồng, Mặt trận có điều kiện gần dân, hiểu dân, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân đồng thời đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, phát huy quyền dân chủ ở cơ sở qua đó phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền để giải quyết kịp thời kiến nghị, các khiếu nại, tố cáo của dân, tạo được lòng tin của dân và ổn định chính trị ở cơ sở.
Khánh thành trạm cấp nước tại ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng.
Qua 3 năm thực hiện Quyết định 217-218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Đồng Tháp đạt được những kết quả bước đầu trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Bà có thể nhận định những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện công tác giám sát?
- Thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội theo chức năng, năm 2016, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh xây dựng chương trình giám sát và phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy dân chủ, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, các tổ chức tư vấn kiểm tra, giám sát trên một số lĩnh vực như: việc thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về nhà ở cho hộ nghèo; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ chính sách; việc tạm giam, tạm giữ ở các trại giam; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giám sát việc bảo đảm an toàn vệ sinh, thực phẩm;...
Là tỉnh có đường biên giới giáp với tỉnh Preyven (Campuchia), UBMTTQ các cấp tỉnh Đồng Tháp cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm công tác đối ngoại nhân dân, xây dựng cột mốc giáp ranh giữa 2 tỉnh và xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp quan tâm nâng cao mức sống người dân vùng biên giới, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng và các điều kiện sinh hoạt, vui chơi, giải trí đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như: xây trường học, trạm cấp nước, khám và cấp thuốc chữa bệnh, thăm và tặng qùa vào các dịp lễ tết của hai dân tộc của hai nước. Tuy nhiên công tác phản biện xã hội chưa nhiều.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong năm 2016, MTTQ tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu, chương trình hành động như thế nào trong năm 2017?
- Năm 2017, MTTQ các cấp phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nhân rộng mô hình “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng” trong toàn tỉnh; Phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước hỗ trợ hiệu quả phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ tỉnh nhà; Đẩy mạnh Chương trình vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng tuyên truyền viên là đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, hành vi của người dân trong thực hiện “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện giám sát chuyên đề về phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong tình hình hiện nay.
Đặc biệt trong năm 2017, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh sẽ tổ chức Hội thi Trưởng ban Công tác Mặt trận giỏi trong toàn Tỉnh; Phát huy hiệu quả vai trò các hội đồng tư vấn, các chuyên gia trên các lĩnh vực, các cá nhân tiêu biểu của MTTQ các cấp đóng góp cho công tác Mặt trận.
Trân trọngcảm ơn bà!