Theo ông Tưởng Hữu Lộc - Phó Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Việt Nam có nhiều thắng cảnh đẹp nhưng nếu dịch vụ không đủ tốt, điểm đến không tạo được sự thân thiện thì không thể có sức hút để du khách quay lại. Bên cạnh đó, để khách quốc tế trở lại Việt Nam thì vấn đề gỡ bỏ rào cản visa cũng rất quan trọng.
PV: Thưa ông, nguyên nhân vì sao khiến cho tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại nước ta thấp hơn nhiều so với tiềm năng du lịch của Việt Nam?
Ông Tưởng Hữu Lộc: Nguyên nhân lớn nhất do chất lượng dịch vụ của chúng ta chưa được đồng bộ. Chúng ta vẫn có những khách sạn, nhà hàng, khu du lịch… đạt tiêu chuẩn quốc tế và được khách đánh giá cao. Tuy nhiên sự chênh lệch đồng bộ về dịch vụ so với mặt bằng chung thị trường các nước có độ chênh. Có những nơi làm rất tốt nhưng lại có những nơi chỉ dành cho phục vụ khách địa phương hoặc khách nội địa, khi khách quốc tế đến sử dụng dịch vụ dẫn đến độ chênh về tổng thể mặt bằng chung.
Khả năng sử dụng ngoại ngữ của nhân lực phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế. Nhân lực giao tiếp tốt về ngoại ngữ thì đa số nằm ở những tỉnh, thành lớn nổi tiếng về du lịch thì tỷ lệ có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ với khách nước ngoài là tương đối cao nhưng khi về các địa phương thì sẽ thấp dần. Một trong những yếu tố để khách quay trở lại đó chính là sự thân thiện, cảm mến của du khách đối với điểm đến. Chúng ta có nhiều thắng cảnh đẹp xứng đáng để du khách đến trải nghiệm. Tuy nhiên sự cảm mến để họ mong muốn trở lại vẫn còn chưa cao.
Phải khẳng định Việt Nam vẫn là thị trường du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Tuy nhiên vấn đề visa của chúng ta đang là rào cản lớn.
Theo ông cần có những giải pháp nào để thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam?
- Phải kết nối lại các đường bay và nhiều hãng bay và sự liên kết các khối. Bên cạnh đó tăng cường quảng bá trên mạng xã hội, mạng truyền thông để những hình ảnh của Việt Nam mang tính hấp dẫn hơn. Về vấn đề visa du lịch thì cần xử lý linh hoạt hơn, tránh tạo chuyện du khách cảm thấy khâu xin visa có sự khó khăn, kém hấp dẫn.
Về lâu dài, ngành du lịch cần phải làm gì để định vị được thương hiệu, thu hút khách quốc tế?
Những thị trường trọng điểm của khách quốc tế tùy theo vùng miền thì chúng ta phải định hướng rõ ràng. Khi mình chọn thị trường để quảng bá, truyền thông như Mỹ, châu Âu… thì cần có kế hoạch dài hơi và phải nắm bắt thói quen đi du lịch của du khách ở mỗi quốc gia, chọn mùa vụ nhất định để ưu tiên phù hợp cho từng dòng khách, tránh chuyện truyền thông tổng thể dẫn đến quá tải. Chính vì vậy kế hoạch truyền thông ngắn hạn và dài hạn cần có sự phù hợp theo thói quen du lịch từng thị trường. Mỗi tỉnh thành nên có kế hoạch truyền thông đăng ký với Bộ VHTTDL để tạo thành chiến lược quốc gia, từ đó không bị chồng lấn vấn đề marketing với các địa phương.
Việc đào tạo, đặc biệt giao tiếp về ngoại ngữ, giao tiếp về du lịch với khách nước ngoài cũng rất quan trọng để tạo sự thân thiện và tình cảm với du khách. Mặc dù có nhiều thắng cảnh đẹp nhưng nếu dịch vụ không đủ tốt, điểm đến không tạo được sự thân thiện thì không thể có sức hút để du khách quay lại. Điều đó thể hiện tính chuyên nghiệp của ngành du lịch.
Công tác quảng bá, xúc tiến từ trước đến nay vẫn đang là điểm yếu. Vậy ngành du lịch cần làm gì đạt hiệu quả trong thời gian tới, thưa ông?
- Vấn đề này phải đến từ chiến lược quảng bá quốc gia. Chiến lược từ Bộ VHTTDL và từ chính sách phát triển du lịch quốc gia của Việt Nam, tiếp đến là phân vùng du lịch và liên kết vùng du lịch phải có chiến lược đồng bộ. Như vậy sẽ hiệu quả hơn so với từng đơn vị triển khai đơn lẻ. Bên cạnh đó cần có kế hoạch truyền thông trên mạng xã hội. Tùy theo thói quen tiêu dùng của mỗi thị trường, mỗi quốc gia có mạng xã hội riêng. Khi đó tính cuốn hút sẽ cao và khả năng thu hút du khách sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Trân trọng cảm ơn ông!