Kinh tế

Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn

NAM ANH 06/08/2024 09:42

Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Thủ đô.

tren.jpeg
Khu công nghiệp Yên Phong IIC (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: N.A.

Phát triển công nghiệp bán dẫn gắn với xây dựng thành phố thông minh

Chia sẻ tại hội nghị kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn thành phố Hà Nội 2024, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới và nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trong nước. Trọng tâm phát triển thời gian tới sẽ đặt ở 3 thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Theo ông Hoài, một trong những lợi thế của Hà Nội là Luật Thủ đô sửa đổi vừa được ban hành, trong đó ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các khu công nghệ cao, ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, Hà Nội là nơi tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như: Nvidia, Apple, SpaceX, Qorvo.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn, đồng thời cũng là địa phương ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu trong thời gian tới của Hà Nội là trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, có sự gắn kết với hệ thống đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, đây cũng là trung tâm thiết kế, cung ứng sản phẩm bán dẫn, trí tuệ nhân tạo hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực, trong đó ưu tiên cho công nghệ bán dẫn.

TS Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (VINASA) nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đi theo hai hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Từ đó sẽ dẫn tới việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới. Vẫn theo ông Quang, đối với Hà Nội, phát triển công nghiệp bán dẫn cần gắn với đề án xây dựng thành phố thông minh. Ông Quang phân tích, để trở thành thành phố thông minh, Hà Nội cần xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp - thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) sẽ phải được số hóa. Điều này đòi hỏi sử dụng số lượng lớn chip bán dẫn. Vì thế, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần có năng lực tương ứng về công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn để vận hành các đô thị thông minh một cách bền vững.

Nhiều chính sách ưu đãi

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng cơ chế riêng để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn; đồng thời phải xây dựng một chiến lược dài hạn cho xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và chip ít nhất trong 10 năm tới trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần dành nguồn lực, tài lực và tiềm lực để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) chia sẻ, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024 xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội.

Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho hay, Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các loại hình doanh nghiệp số theo phương châm “chính quyền đồng hành - doanh nghiệp hiến kế - kinh tế phát triển”. Thành phố sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo lập thị trường.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đẩy nhanh quá trình chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; chủ động nghiên cứu thị trường, lựa chọn định hướng nghiên cứu phù hợp, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, vi mạch bán dẫn...).

Đồng thời, thành phố thúc đẩy phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực; ưu tiên trong việc lựa chọn thử nghiệm, đầu tư, thuê, mua sắm những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của DN. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ triển khai các ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn tại Thủ đô. Cụ thể, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, được áp dụng mức thuế suất ưu đãi với thuế thu nhập DN, cá nhân, miễn một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu khi tham gia đấu thầu các gói thầu của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn