Ngày 19/12, tại TP Cần Thơ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Thông tin tại diễn đàn, ở Việt Nam, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, mà còn là nguồn tạo ra phát thải nhà kính rất lớn. Phát thải nông nghiệp bao gồm khí CO2, metan, nitơ oxit, và xuất hiện ở nhiều giai đoạn và lĩnh vực, như trồng lúa, chăn nuôi, sử dụng phân bón...
Trong “Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, nông nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải năm 2020. Trong đó, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng 48% lượng phát thải đó, tiếp theo là chăn nuôi (15,3%), sử dụng phân bón tổng hợp (12,9%) và xử lý phân chuồng (9,5%). Một điểm đáng lưu ý là hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp là khí metan và nitơ oxit, không phải khí carbon dioxit (CO2). Hai loại khí này đều có thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn hơn nhiều so với CO2, nhưng lại có khả năng gây hại cho môi trường hơn gấp nhiều lần.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng người dân là yếu tố then chốt.
Ông Trần Việt Trường cho biết, thành phố Cần Thơ mong muốn diễn đàn hôm nay sẽ là cơ hội để các bên cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất những giải pháp đột phá, khả thi cho ngành nông nghiệp trong khu vực. Đặc biệt, chúng tôi kỳ vọng rằng thông qua những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ từ các chuyên gia, các nhà khoa học, diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, huy động nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như mở ra các cơ hội hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan.
Thông tin thêm tại diễn đàn, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, để đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương Trà Vinh sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm các ngành, các cấp và người dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh. Tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao. Đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa và chuyển đổi số trong phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
"Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất theo các loại hình kinh tế, hợp tác hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững nhằm mở ra các cơ hội ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất nông nghiệp", ông Lê Văn Hẳn cho biết.
Các chuyên gia tại diễn đàn nhận định, sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện nông nghiệp “Net Zero” giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí đầu vào; mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Song song với đó, doanh nghiệp sản xuất - thương mại sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất, sản phẩm...theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, giá trị thương hiệu tăng, dễ thâm nhập các thị trường có giá trị cao.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: “Chính phủ đã phê duyệt nhiều chiến lược và đề án quan trọng, điển hình là Đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL – một hình mẫu quốc tế về nông nghiệp carbon thấp. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và phát thải carbon thấp.
“Một trong những giải pháp đột phá để giảm phát thải là áp dụng mô hình tín chỉ carbon. Đây không chỉ là công cụ thúc đẩy giảm thiểu phát thải mà còn tạo ra nguồn thu mới cho người nông dân thông qua giao dịch tín chỉ. Chúng tôi kỳ vọng vùng ĐBSCL, với vai trò là vựa lúa lớn nhất cả nước, sẽ tiếp tục tiên phong trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp "Net Zero”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đại diện lãnh đạo các địa phương TP Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An...; các nhà quản lý, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tại Diễn đàn đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp, kiến nghị đề xuất những giải pháp xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất, kết hợp với cơ chế tín chỉ carbon sẽ là chìa khóa để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường nhận thức cho người dân và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là các yếu tố quan trọng giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.