Hương ước, quy ước đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xây dựng hương ước, quy ước không xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương mà chỉ để bảo đảm tiêu chí thi đua, khen thưởng. Thậm chí, nhiều điều khoản trong hương ước không đúng với tinh thần pháp luật, can thiệp sâu vào đời sống cá nhân hoặc đi ngược lại phong tục, truyền thống lâu đời.
Cả nước có 110.000 bản hương ước, quy ước
Báo cáo từ Bộ Tư pháp cho thấy, trong số 125.000 thôn, làng trên cả nước được rà soát, có gần 110.000 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm hơn 87%); 6,7 nghìn bản hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt và hơn 3,2 nghìn bản khác đang xây dựng. Bên cạnh mặt tích cực thì nhiều hương ước, quy ước tồn tại không ít hạn chế. “Một số hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở nhiều nơi còn hình thức, phong trào, kém hiệu quả.
Hạn chế đó làm sai lệch bản chất, suy giảm vai trò, vị trí của hương ước, quy ước với tư cách là thiết chế tự quản của cộng đồng dân cư. Thậm chí có không ít quy định yêu cầu xây dựng hương ước, quy ước như việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật. Điều này không chỉ làm mất đi tính tự quản của cộng đồng, tính văn hóa trong mỗi hương ước, quy ước, mà còn gây khó cho cán bộ tư pháp, văn hóa ở cấp cơ sở”- báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Nguyên nhân của hạn chế trên chủ yếu là do pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã ban hành từ lâu; chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Thực tế cho thấy, Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg đặt ra các vấn đề có tính nguyên tắc, thể hiện chủ trương, quan điểm mà thiếu các quy phạm pháp luật cụ thể. Mặt khác, việc cho phép hương ước, quy ước được đề ra biện pháp phạt đối với người có hành vi vi phạm các quy định của hương ước, quy ước để bảo đảm thực hiện (vi phạm nghiêm trọng có thể áp dụng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng hoặc các biện pháp phạt…) trong Thông tư liên tịch số 03 chưa rõ…
Không nên hành chính hóa
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Dự thảo này sẽ mang tính định hướng 10 nhóm lĩnh vực của đời sống cộng đồng dân cư để các địa phương lựa chọn dựa trên tinh thần tự nguyện và nhu cầu của cộng đồng dân cư, tuyệt đối không áp đặt hay hành chính hóa. Dự thảo cũng nêu rõ: Nội dung của hương ước, quy ước không được trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội; không xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân; không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất. Song tại cuộc họp lấy ý kiến gần đây nhiều đại biểu cho rằng, nội dung Dự thảo quá nặng nề và khuôn mẫu.
10 năm làm tổ trưởng dân phố, ông Kiều Nhật Minh- phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội thẳng thắn cho biết: “Tôi cũng đã vài ba lần tham gia việc xây dựng hương ước, quy ước nhưng khi được tiếp cận với Dự thảo này, cảm giác của tôi là quá nặng nề, khó thực hiện…Quy ước của tổ dân phố rất đơn giản, hộ gia đình nào vi phạm thì tùy thuộc vào tính chất, số lần vi phạm mà áp dụng hình thức xử lý. Chẳng hạn, vi phạm lần đầu thì nhắc nhở tại cuộc họp của tổ dân phố; lần hai thì không được bình xét gia đình văn hóa. Nếu tổ dân phố nào có nhiều gia đình không được danh hiệu gia đình văn hóa thì tổ dân phố đó không được danh hiệu Tổ văn hóa. Cứ như thế sẽ làm căn cứ cho các tiêu chí thi đua liên quan khác như Đảng, đoàn thể”.
Từ góc độ cải cách hành chính, trưởng phòng Văn hóa gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An Phan Hữu Lộc, cho rằng, quy trình xây dựng hương ước, quy ước cần gọn nhẹ, có dự thảo, có công văn trình lên UBND cấp quận (huyện) là được, không cần báo cáo về quá trình xây dựng, thông qua hương ước nữa. Tương tự như ý kiến của ông Lộc, trưởng thôn Đình Cả (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Hữu Vinh, nêu thực tế có tình trạng sao chép hương ước, quy ước ở các địa phương, nhưng không nên can thiệp vào những hương ước, quy ước. Đặc biệt không nên hướng dẫn mẫu, chỉ hướng dẫn vấn đề chung.
Để hương ước, quy ước đi sâu vào đời sống cộng đồng, bên cạnh việc không đưa xây dựng hương ước, quy ước vào tiêu chí bắt buộc để xét công nhận khu dân cư văn hóa. Các quy định đặt ra cần tránh áp đặt, duy ý chí. Thay vì áp dụng các hình thức phạt nên có những điều hướng dẫn cách xử sự phù hợp với nếp sống, lối sống của địa phương cũng như đặt ra nhiều giải thưởng, hình thức khuyến khích trong hương ước, quy ước để người dân hào hứng tự nguyện, tự giác thực hiện từ đó nâng cao “sức mạnh”, sự ảnh hưởng của hương ước, quy ước trong đời sống cộng đồng.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hương ước, quy ước, cấp huyện và cấp xã nên bố trí cán bộ, công chức phụ trách việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ phê duyệt hương ước, quy ước; mở lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng và quản lý cho cán bộ phụ trách cũng như bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xây dựng, thực hiện, quản lý nhà nước về hương ước, quy ước.