Xây dựng hương ước, quy ước trong cộng đồng

Lê Bảo 14/02/2017 09:45

Cùng với các quy định của pháp luật, hương ước, quy ước (HUQU) đã dần khẳng định, trở thành một công cụ quan trọng góp phần quản lý xã hội trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, công tác xây dựng, thực hiện HUQU trong những năm qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện.

Hương ước, quy ước góp phần tạo ra sự bình yên xóm làng.

Chưa phát huy được vai trò

Tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện HUQU của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư cho thấy, các bộ, ngành, địa phương, các cộng đồng dân cư trên cả nước đã tích cực tổ chức công tác này. Tính đến tháng 6/2015, trong số 125.083 thôn, làng được rà soát, có 109.698 HUQU đã được phê duyệt, chiếm tỷ lệ 87,7%; 6.694 HUQU đang trong quá trình phê duyệt và 3.260 HUQU đang xây dựng.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, thực hiện HUQU trong những năm qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đánh giá việc thực hiện các HUQU tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo văn bản về HUQU mới đây,Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Lân cũng nêu thực tế, nhiều HUQU còn sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách khô khan. Việc xây dựng, thực hiện hương ước nhiều nơi còn hình thức, mang tính phong trào… Đặc biệt, có tình trạng HUQU có nội dung vi phạm pháp luật, quy định việc xử phạt trái pháp luật, vi phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân…

Nhìn lại hệ thống văn bản liên quan đến HUQU thì thấy tương đối đa dạng, từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về vấn đề này là Nghị định 29/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (nay được thay thế bằng Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn), sau đó là một loạt các thông tư, thông tư liên tịch và các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành về việc xây dựng và thực hiện HUQU. Tuy nhiên, thời gian ban hành các văn bản nêu trên tương đối dài, lại rất nhiều văn bản cùng điều chỉnh về một vấn đề nên không thể tránh khỏi sự trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn. “Trong khi Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định UBND cấp huyện công nhận HUQU; thì Thông tư liên tịch 03/2000 lại quy định thẩm quyền này thuộc về Chủ tịch UBND huyện”- Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nói.

Đề cao vai trò của hương ước trong cuộc sống

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Hiếu, hiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện HUQU trong cộng đồng dân cư đang được Bộ Tư pháp xây dựng. Có thể thấy dù còn nhiều hạn chế, song trong thực tế sự tồn tại của HUQU là một nhân tố không thể thiếu, góp phần xây dựng xã hội đa dạng ổn định trong quy định về pháp luật. Từ thực tiễn tham gia khảo sát cho thấy, vai trò của HUQU trong cuộc sống nhiều địa phương, nhất là những địa bàn đặc thù, là cực kỳ lớn vì nó gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Nói về phương hướng sửa đổi, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, nhiều năm nay chúng ta vẫn nói về HUQU nhưng cần phải làm rõ HUQU khác với nội quy, quy chế, quy định pháp luật như thế nào. Làm rõ được mối quan hệ, sự khác biệt giữa chúng thì mới xác định rõ vai trò của HUQU trong quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư.

Đồng tình, đại diện nhiều bộ, ngành cũng cho rằng, cần quy định HUQU chỉ điều chỉnh những nội dung mà pháp luật hiện hành chưa quy định và nhất là không ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Trước đề xuất, việc xây dựng HUQU phải đi kèm với biện pháp đảm bảo thực hiện của đại diện Bộ Tài chính, đại diện Ban soạn thảo cho rằng, sẽ tiếp tục công nhận HUQU có thể quy định các biện pháp chế tài nhằm giáo dục, thuyết phục, vận động và bảo đảm tôn trọng, thực hiện HUQU. Cụ thể, có thể cho phép đưa vào HUQU các biện pháp xử lý, phạt tiền, phạt vật chất đối với hành vi mà chưa có quy định pháp luật nhưng không được vượt quá mức do HĐND cấp tỉnh quy định. Thực tế đây là quy định còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là trước tình trạng, “phí chồng lên phí”, việc thi hành xử phạt hành chính còn hết sức lúng túng trong xác định thẩm quyền xử phạt. Hơn nữa, giá trị của HUQU khi đề cập đến việc xử phạt hành chính thì liệu có bị hành chính hóa quan hệ mang tính cộng đồng hay không? Đây là một vấn đề cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân, giới khoa học, pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng hương ước, quy ước trong cộng đồng